Lời nói đầu
Nền văn học Phật giáo Việt Nam của chúng ta rất đa dạng và phong phú, bao gồm nhiều thể loại, nhiều thành phần. Những câu chuyện kể về cuộc đời của đức Phật cũng như những lời dạy của Ngài, về gương sáng của các bậc danh Tăng trong nước và nước ngoài, về cách đối nhân xử thế của người xưa… có thể nói là một trong những câu chuyện rất gần gũi, thân thương, và phù hợp phần đông với mọi tầng lớp độc giả. Giới trí thức đã thích nghiên cứu, tìm hiểu; người bình dân lại hay ưa đọc, thích tìm tòi. Mỗi câu chuyện như dẫn dắt người xem ngược xuôi về quá khứ, để hòa mình và trực chứng vào đời sống thực tại của con người, để cảm nhận và có thể tìm ra nơi đó được nhiều đạo lý, những trăn trở, nỗi niềm hay những khát vọng, suy tư.
Những câu chuyện thiện ác là một tập sách nhỏ tập hợp một vài câu chuyện đạo ngắn, nội dung chỉ xoay quanh những vấn đề về kiếp sống nhân sinh, thầm nhắc với con người ta phải biết sống sao cho thật hiền lành, lúc nào cũng phải nghĩ về việc tu nhân tích đức. Những câu chuyện ấy, tự thân chúng đã toát lên được rất nhiều đạo vị, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù bình dị hay thâm trầm, song cũng đều có tác dụng chuyển hóa thân tâm, giúp cho người xem tự biết định hướng và tìm ra cho riêng mình một đời sống mới thật giản dị hơn, thanh thoát hơn, trong mối thân thiện tương quan giữa mình và mọi người trong xã hội.
Chúng tôi xin chân thành tri ân các tác giả của nhiều quyển truyện tích Phật giáo mà chúng tôi có dịp xem qua, bởi chúng tôi đã học hỏi, đã có dựa theo được một phần nào trong công trình biên khảo, dịch thuật hay sưu tầm đầy tâm huyết và tài năng này của chính các vị, và cũng xin hoan hỷ cho phép chúng tôi được nối gót làm theo những tâm hạnh tuyệt vời của các vị, là thông qua những câu chuyện Phật giáo nho nhỏ ấy, chúng ta hãy mang những điều hiền thiện đi vào cuộc đời, chỉ vỏn vẹn với mỗi ước mong, là mọi người đều biết được nhân quả nghiệp báo, để có thể hoán cải những tư tưởng bất thiện, và thay vào bằng nhiều tâm niệm tốt lành. Chúng ta cứ nghĩ, nếu ai cũng biết được nhân quả nghiệp báo, ai cũng biết sống tốt cho mình và cho người thì không bao lâu, xã hội này sẽ biến thành Tịnh độ, và chiến tranh, bạo lực, nước mắt hay hận thù ngày đó vĩnh viễn sẽ chẳng xảy ra.
Chúng con xin thành kính tri ân Đại đức Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp đã hỗ trợ và tạo mọi thuận duyên cho tập sách sưu tập nhỏ bé đầu tay này của chúng con sớm được hoàn thành, vì rằng chúng con sẽ có cơ hội được mang tập sách ấy đến với nhiều người, và đến nhiều tầng lớp.
Chúng tôi cũng xin biết ơn sự giúp đỡ của Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội, nhờ đó mà sự có mặt của tập sách này mới dễ dàng và thuận lợi hơn.
Nếu việc làm thiển mọn này của chúng tôi có tựu thành được một vài công đức, nó sẽ hoàn toàn thuộc về thầy Chân Tính, về các tác giả của nhiều quyển truyện tích Phật giáo, về những con người, những tấm lòng với nhiều thiện nguyện to lớn, luôn tin tưởng và hỗ trợ rất nhiều trong những tháng ngày tu tập và học hỏi của chúng tôi.
Thích Tâm Thuận
Họa tùng khẩu xuất
Thuở xưa, ở trong một cái hồ kia có một con rùa và hai con cò trắng thường lui tới làm bạn với nhau.
Năm ấy trời làm đại hạn, suốt một năm trời ròng rã nhưng không có cơn mưa nào cả. Nước ở trong hồ cứ cạn dần vì sự thiêu đốt gay gắt của mặt trời. Cỏ lác trong hồ cũng vàng úa tàn tạ. Có thể nước nóng như một chảo nước sôi, vì thế loài thủy tộc chết lần chết hồi…
Trong tình trạng đó, chàng rùa ta ngồi đứng không yên và trong đầu luôn luôn suy nghĩ một phương kế thoát thân khỏi cái địa ngục nóng này.
May thay! Trong lúc ấy có hai vợ chồng cò đến chơi. Thấy bộ dạng thiểu não của chàng rùa, hai vợ chồng cò ân cần thăm hỏi:
- Chắc có chuyện gì buồn chăng mà trông bác có vẻ lo nghĩ như thế?
Rùa rầu rầu đáp:
- Hai bác ơi, tôi đang gặp phải đại hoạn, phen này chắc chết mà không còn trông gặp mặt hai bác nữa.
Chàng cò chận lời:
- Chúng ta là bạn bè thân thiết với nhau, sung sướng cùng chia thì hoạn nạn cùng chịu. Vậy bác hãy cho chúng tôi biết nguyên nhân nào làm bác phiền muộn, họa may chúng tôi có thể tìm phương giải quyết và giúp đỡ bác chăng? Chớ chưa chi mà bác đã than van thất vọng như thế!
Rùa trả lời với một giọng lâm ly thống thiết:
- Không biết hai bác dạo này làm ăn thế nào, chứ tôi hai hôm nay chưa có lót dạ đến nửa con tép chứ đừng nói tôm cá, vì chúng đã hết trọi! Mà nước cạn dần thế này, trước sau gì cũng không thoát khỏi bàn tay độc ác của lũ chăn trâu. Cách đây 5 năm tôi đã bị chúng bắt một lần, may nhờ một bà già mua và đem đến chùa phóng sinh nên mới sống sót đến ngày hôm nay. Vì thế mỗi lần nghĩ đến tai nạn chết chóc, tôi bắt rùng mình…
Trong lúc chàng cò đang ra dáng suy nghĩ thì chị cò thương hại hỏi:
- Sao bác không đi ở nơi khác một phen xem thế nào?
- Bác thử nghĩ, xưa nay tôi có từng đi đâu, đường sá thì xa xôi nguy hiểm mà việc đi lại của tôi quá chậm chạp, nên tôi nghĩ thà chết nơi chôn nhau cắt rún còn hơn.
Bỗng chàng cò ngóng cổ nói lớn lên với một niềm hy vọng:
- Thôi bác khỏi lo! Cách đây mười dặm, có một hồ sen không khi nào cạn mặc dù là lúc trời hạn hán. Chúng tôi sẽ đem bác đến đấy, trước là giải quyết sinh kế mà sau nữa là được gần gũi nhau trong lúc tối lửa tắt đèn…
Nhưng chàng rùa vẫn lo ngại nói vẻ thất vọng:
- Trời ơi! Mười dặm. Một dặm mà tôi đã đi đến chưa, huống nữa là mười dặm, thôi tôi đành chịu chết vậy!
- Điều ấy bác cũng không nên lo–chàng cò tin tưởng nói–chúng tôi đã có phương pháp; nhưng có điều hơi khó là bác cần phải bình tĩnh và can đảm.
- Bác nói thử xem–chàng rùa vội vàng hỏi–khó thế nào tôi cũng cố gắng!
Chàng cò giải thích với một điệu bộ quan trọng:
- Phương pháp như thế này: Hai vợ chồng tôi tha một cái cây mỗi người một đầu. Còn bác thì ngậm ngay chặng giữa, chúng tôi sẽ tha bác đến cái hồ kia. Nhưng có một điều tối quan trọng và nguy hiểm bác phải nên nhớ, là trong lúc chúng tôi đang bay bác phải ngậm miệng chặt vào cây và không được nói năng hỏi han gì mặc dù gặp phải trường hợp nào đi nữa. Chỉ trong vòng nửa giờ là chúng ta sẽ đến nơi. Bác nhớ nhé! Tôi dặn lại: dầu gặp trường hợp nào bác cũng phải ngặm miệng và không được nói năng !
Chàng rùa ra dáng hiểu biết:
- Thôi tôi nhớ rồi, hai bác xem tôi chẳng bằng con nít, dặn đi dặn lại mãi!
Sau khi sửa soạn xong, chàng cò lại thiết tha căn dặn lần cuối cùng:
- Đó, bây giờ bác muốn ho hen hay nói gì thì nói đi. Chớ chốc nữa mà mở miệng thì nguy hiểm lắm đấy!
Xong đâu đấy, cả ba làm theo ý định. Bốn cánh vỗ mạnh, hai cặp chân cò duỗi thẳng, chàng rùa rời mặt đất rồi từ từ lên cao, chẳng khác nào chiếc máy bay hai động cơ…
Bay được một lát mặc dù lần đầu tiên thấy những cảnh kỳ lạ hiện ra trước mắt: đây cánh đồng xanh rì gợn sóng như tấm nhung xanh, kia con sông trắng phau nằm quằn quèo như con bạch xà lượn khúc, và cây cối, nhà cửa v.v… bao nhiêu là cảnh đẹp mắt… Đã bao lâu chàng rùa định mở miệng để hỏi cho thỏa tính tò mò, nhưng may thay, mỗi lần định hỏi, chàng lại sực nhớ đến lời quan trọng của anh chàng cò trắng.
Nếu sự đời yên ổn thì nói làm chi, rủi thay, trên đường hành trình của chàng rùa không qua khỏi cặp mắt tinh quái của lũ trẻ.
Một đứa la lớn:
- Anh em ơi! Ra coi đây nè! Hai con cò tha một con rùa! A ha! Vui quá!
Bọn trẻ đồng la ầm lên. Một thằng lớn nhất trong bọn hét lớn:
- A ha! Thật giống hai thằng mổng dắt một anh thầy bói. A ha! Thầy bói! Thầy bói!
Không dằn được tức giận, chàng rùa định bụng trả lời: "Mặc kệ chúng tao, mắc mớ gì chúng mày. Đồ nhãi con!". Nhưng tội nghiệp thay, vừa mới mở miệng, rùa ta đã rơi xuống và tan thân vì đụng nhằm một tảng đá…
Đức Phật dạy: "Ở đời biết bao nhiêu người vì không giữ cái miệng, nói không đúng thời mà phải mang họa như trường hợp con rùa trên đây. Vậy phải nên giữ gìn cái miệng".
Tai hại của lòng tham
Thời đức Phật còn tại thế, một hôm Ngài cùng A-nan đi du hóa tại một vùng quê. Đức Phật đang đi trên đường bỗng Ngài bước đi trên bờ cỏ. A-nan ngạc nhiên, tự nghĩ: “Đức Thế Tôn