Loading ...

Có Phật Tại Sao Người Tốt Không Được Hạnh Phúc, Còn Người Xấu Không Bị Trừng Tri

Nhiều người tin vào Phật, họ tin rằng sẽ có luật nhân quả trên thế gian này. Nhưng một số lại không tin vào điều đó và cho đấy là mê tín. Họ lý giải, nếu như có Phật thì tại sao những người tốt không được hạnh phúc, còn người xấu lại không bị trừng trị?

Vậy Phật là gì và có thật ở trên đời này không?

Chúng ta được dạy rằng Phật nghĩa là giác ngộ, Đức Phật là Người đã giác ngộ được chân lý của cuộc đời, đã trải qua hết thảy các kiếp nạn của thế gian, đã hiểu đủ các nỗi thống khổ của con người. Ở trên chùa, người ta thường được nghe cả một câu chuyện dài về cuộc đời của Người trước khi trở thành Đức Phật như chúng ta vẫn gọi. Nhưng để tin và hiểu được điều đó thì có lẽ vẫn là một chặng đường dài sống và khám phá sự đời. Tất cả chúng ta, ai cũng vậy, thường dễ tin vào cái hiển hiện trước mắt thay vì nghe người khác nói. Nhưng còn luật nhân quả, điều đó chắc chắn có thật.

truyen phat giao

Khi vào chùa tu, chúng tôi thường kể chuyện cho nhau nghe. Một pháp lữ bảo :

- Hồi nhỏ chị khoái nhất là bắt chuồn chuồn, ngắt đuôi nó đi, rồi cắt tua giấy kiếng nhiều màu, se nhọn một đầu, nhét vào ruột chuồn chuồn, thả nó bay lên, chị thích chí nhìn đuôi giấy đủ màu bay lượn giữa trời, không biết làm vậy là con chuồn chuồn đau ruột, cũng không hiểu nó đau như thế nào? Cho tới năm hơn 20 tuổi chị bị viêm ruột, rồi về già thì ung thư ruột, bỗng dưng chị lại nhớ và thấu hiểu nỗi đau của con chuồn chuồn.

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện về luật nhân quả. Dân gian ta vẫn có câu: “gieo nhân nào, gặt quả ấy”, “gieo gió, gặp bão”... Họ vẫn luôn tin rằngcó một tòa án tối cao trừng phạt những tội ác của con người mà mắt thường không thấy được. Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân, dù tốt đẹp hay tồi tệ, tích cực hay tiêu cực thì nó cũng là kết quả của những hành động trước đó.

Đọc đến đây có lẽ sẽ có người nói rằng: khối người giết chóc, khối người sát sinh mà vẫn sống nhởn nhơ, ăn nên làm ra, có khổ báo gì đâu?

Phật từng giải thích rằng: Quả báo có khi trả sớm, có khi trả muộn, đã làm điều xấu ắt sẽ gặp điều chẳng lành.

Thật sự nếu để ý, ta sẽ thấy những người đang sống hiền thiện mà xoay qua làm ác, trả quả rất nhanh. Quả này xảy ra như một cảnh báo, giúp họ đình chỉ việc ác và hồi đầu. Giống như chiếc áo trắng, vừa mới bị lem vài vết mực, được chỉ để tẩy ngay. Có những người cả đời làm ác, song do một biến cố nào đó khiến họ thức tỉnh, xoay qua làm thiện mạnh mẽ.

Đó là nhờ duyên lành đời trước nên họ còn được cảnh tỉnh để quay về với nẻo thiện. Còn người làm ác quá nhiều mà không thấy “trả” gì. Thì quả sẽ trả sang đời sau, khi phúc hưởng hết thì họa ập tới còn thê thảm hơn. Phật luôn nhắc nhở môn đệ Ngài: “Nên sống chánh nghiệp, không sống tà nghiệp”.

Chánh nghiệp là những nghề đem đến lợi ích cho mình và người. Tà nghiệp là những nghề kiếm ra tiền trên đau khổ của người và vật. Còn nếu nói: “Vì nghèo nên phải sống tà nghiệp thì sao?”... Tôi bỗng nhớ câu: “Trời Phật không triệt đường của ai cả, nếu người ấy thật lòng muốn sống thiện thì niệm lành trong tâm sẽ chiêu cảm, giúp họ có cơ may hành thiện nghiệp".

Vậy nếu có luật nhân quả, tại sao có những người tốt không được hưởng cuộc sống hạnh phúc?

Trong mỗi con người chúng ta thường có hai mặt thiện và ác.Vì cái ranh giới giữa Thiện và Ác nó thật mong manh. Tuy nó đối lập nhau nhưng luôn tồn tại song song trong một con người.

Trong đạo Phật, thấy việc tốt dù nhỏ nhất mà không làm, thấy việc ác dù nhỏ nhất mà không tránh cũng như phạm tội. Vậy ai dám khẳng định rằng mình là hoàn hảo? Ai dám nói mình đã đối xử tốt với tất cả chúng sinh? Có ai là chưa từng làm điều xấu, chưa từng nhìn thấy việc nên làm mà không làm?

Vậy nên nếu bạn chưa được hạnh phúc, hãy tu tâm tích đức, cuộc sống hạnh phúc hay không là ở cái tâm của mình có được thanh thản hay không. Rửa sạch nghiệp, tâm mới thanh bình.

Hãy nhớ rằng luật nhân quả không chỉ dừng lại ở một đời người, nó luôn trải dài từ kiếp này qua kiếp khác. Nếu đời này bạn không hạnh phúc dù bạn không quá xấu xa, thì ắt hẳn đó là nghiệp từ kiếp trước báo lại.

Luật nhân quả rất linh nghiệm và không trừ một ai. Gieo nhân nào, gặt quả ấy. Nếu kiếp này làm việc ác mà không bị trừng trị thì kiếp sau sẽ gặp quả báo nặng hơn. Dân gian cũng đã lưu truyền “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nếu kiếp này ăn ở tốt mà chưa được hưởng hạnh phúc ắt do tâm còn nhiều vướng bận, còn nhiều dục vọng, nếu tu tốt sẽ để lại duyên lành cho đời sau.

“Thiện căn cốt ở lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.