Loading ...

Tình Yêu Trong Cái Nhìn Của Phật Giáo

1. Suy nghiệm về tình yêu bạn sẽ thấy đó là tình thương bạn dành cho một người (khác hơn một chút so với tình thương dành cho nhiều người mà bạn đã từng có). Đã nói tới tình thương thì phải nói tới giá trị mà nó mang lại, chính là hạnh phúc. Bạn và người yêu của mình phải hạnh phúc trong mối quan hệ ấy. Tất nhiên, hạnh phúc này phải dựa trên nền tảng của những chất liệu hiểu biết đúng đắn về người thương, không gây tổn hại đến người khác, chúng sanh khác, không quá mức…

Phật Pháp Nhiệm Màu 10

Nếu bạn nói thương yêu một người mà bạn không hiểu gì về người mình thương thì bạn sẽ biến tình thương của mình thành “địa ngục” cho người ấy và cả bạn.

Khi ấy bạn sẽ nhốt cả hai vào mớ hoài nghi, mớ lý luận ngắn ngủn, thấp lè tè của mình như người ta có đến với mình chân thành không, mình sẽ được gì nơi người ta…? Ý niệm này khởi lên bởi vì bạn không hiểu và hoài nghi về tình cảm của người ta, khi đó bạn hãy quay về và lắng nghe sâu người ấy và cả bạn để kiểm tra tình yêu của mình, để những ý niệm xấu khác không tiếp tục dẫn bạn đi xa tình thương (vốn là chất liệu của hạnh phúc).

Mất bằng an bởi nghi ngờ, và từ đó dễ ghen tuông, không chăm sóc bên trong tâm hồn, không nâng đỡ người mình yêu và bạn sẽ trở thành một “quan tòa” và một “cai ngục”. Bạn sẽ luôn điều tra người ta rằng: anh/em đi đâu, làm gì…? Mà thông thường người ta trả lời bạn cũng không tin đâu, vì tâm hành hoài nghi trong bạn đã làm chủ bạn mất rồi, nó đang biến bạn thành một “quan tòa” Tào Tháo. Chính vì vậy người ta đã rút ra mệnh đề: “Nghi ngờ giết chết tình yêu”.

Khi nghi ngờ, bạn sẽ “giam” người ta trong lý luận của bạn, áp cho người ta những “tội danh”, chủ yếu là không còn thủy chung. Và chính vì tội danh quá nặng này, có thể một hai lần đầu người ta sẽ nghĩ bạn vì yêu nên ghen tuông dẫn tới nghĩ, nói bậy, làm bậy - người ta sẽ bỏ qua. Nhưng, bạn cứ lặp đi lặp lại điều này thì đó là con đường dẫn tới việc bạn thiếu tôn trọng người mình yêu thương. Người ta sẽ đặt những dấu chấm hỏi về hai từ “yêu thương” mà bạn dành cho họ. Yêu thương sao không tôn trọng bởi nếu tôn trọng sao lại gắn cho mình một tội danh quá lớn?... Cứ thế, những tâm hành đó dẫn bạn vào mê lộ đau khổ, đi ngược lại hoàn toàn kết quả của tình thương như ban đầu đã nói là hạnh phúc.

lòng từ bi

Vì vậy, với logic này, bạn đừng vội vàng yêu đương. Hãy lắng nghe thật sâu, để hiểu về mình và người mình vừa có cảm xúc tốt ấy, hãy bày tỏ chân thật những tâm hành có trong bạn để người đó cũng hiểu bạn. Khi bước chuẩn bị cho tình thương yêu có mặt - xác lập mối quan hệ yêu đương của mình thì bạn phải có tình thương, sự hiểu biết, sự chân thành và niềm tin sâu sắc dành cho người mình thương yêu. Tất nhiên, người thương của bạn cũng có những điều kiện ấy thì cả hai mới thực sự cùng nhìn về một hướng. Sau khi xác lập tình cảm, đừng nghĩ thế là xong mà bạn còn phải chăm sóc cho tình cảm ấy trở nên hài hòa, vẫn phải tiếp tục lắng nghe và tin tưởng.

2.  Ai đó nói tình yêu là một sự vị kỷ có lẽ là vì người đó quá chú ý đến yếu tố dành cho nhau, quá chú ý đến chuyện “được-mất” trong tình cảm ấy. Nếu mình yêu và cứ suốt ngày làm “kế toán” trong tình yêu thì bạn sẽ thấy bạn “chi” và “thu” bao nhiêu. Và bạn sẽ bắt đầu khổ ngay từ cách nghĩ và làm đó, bởi khi đó bạn sẽ thấy thiệt-hơn. Khi tình yêu không còn vô tư, không còn là tình thương mà cả hai cùng vun vén thì sẽ rơi vào sự tính toán, ích kỷ.

Yêu, thì cả hai phải có trách nhiệm như nhau trong tình cảm, cùng chăm sóc tình yêu, cứ nghĩ trách nhiệm ấy là con đường để dẫn tới hạnh phúc cho mình và người chứ đừng nghĩ nó như là sự bắt buộc thì “quyền lợi” tự nhiên sẽ có. Bởi trách nhiệm chăm sóc tình yêu được hình thành từ ý thức về hạnh phúc trong mối quan hệ mà mình đã xác lập là cái nhân, chắc chắn sẽ cho ra quả hạnh phúc.

3.  Sẽ trên cả tuyệt vời nếu hai người yêu nhau cùng nhìn về hướng có ánh sáng Phật pháp. Khi đó, người yêu và mình sẽ bắt đầu thực tập tứ vô lượng tâm (từ-bi-hỉ-xả). Mình sẽ cùng nhau nghĩ tới vạn loại khổ đau, nguyện cùng nhau nuôi dưỡng bi tâm, từ tâm trong mình… Mình sẽ nghĩ sâu hơn một chút, người mình yêu cũng là một chúng sanh, người ấy cũng có những nỗi khổ đau, ách tắc và có những tâm hành không tốt, nên mình sẽ thương bằng một sự nâng đỡ, tháo gỡ những ách tắc và giúp người đó sống tốt lên. Cứ thế, bạn sẽ trở thành “một nửa” đúng nghĩa của sự tròn trịa, hạnh phúc viên mãn trong mối quan hệ được gọi tên là tình yêu của mình.

Và khi có ánh sáng Phật pháp soi sáng, thì bạn tự khắc biết gìn giữ cho người mình yêu. Bạn sẽ biết thủy chung là một nguyên tắc đạo đức giữ gìn phẩm chất đẹp của bạn, cũng là giữ cho tình cảm của hai người yêu nhau trở nên trọn vẹn. Và bạn sẽ nhớ được rằng, bất cứ thứ gì trên thế gian này cũng không nên tham đắm thái quá, mình chưa thể dứt được “duyên trần” nhưng mình đừng tạo tác thêm nhân sanh tử, đừng quên “ít muốn, biết đủ”.

Ứng dụng bài pháp “ít muốn, biết đủ” trong tình yêu bạn sẽ không đòi hỏi quá nhiều nơi người mình thương trong khi “sức người có hạn”, sẽ biết rằng việc mình dành cho người yêu của mình những điều tốt đẹp một cách chân thành thì ngay khi ấy bạn đã có hạnh phúc rồi chứ sao cứ ngồi im mà chờ người ta làm cho mình cái này, cái kia?

Nguồn: giacngo.vn

Zalo
Hotline
Liên hệ
0938 248 199