Loading ...

Lành Dữ Nghiệp Báo

Lành Dữ Nghiệp Báo

Lời tựa

          Có những lần đi hoằng pháp ở các tỉnh, nhất là vùng sâu vùng xa, thấy đa số dân chúng chưa hiểu Phật pháp, tôi thương quá. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Phật dạy: “Ngu si sinh tử”. Nếu họ không hiểu Phật pháp, không biết nhân quả, không tin tội phước, sống buông lung tạo nghiệp bất thiện hiện đời, đời sau chịu quả báo đau khổ. Họ khổ cũng như mình khổ! 

 Để giúp những người dân còn nghèo về kinh tế, hạn chế về học thức hiểu được Phật pháp không phải dễ, cần phải có phương tiện thích hợp. Nếu đem tặng kinh sách chưa chắc họ đọc. Tôi nghĩ ở vùng quê, đa số người lớn và trẻ em đều ưa thích đọc các mẩu chuyện. Có thể tặng họ những tập truyện, qua đó giúp họ tiếp cận Phật pháp dễ hơn. Thế nhưng, để tìm được những tập truyện vừa hợp với mọi lứa tuổi, mọi trình độ rất khó. Hiện nay tại Việt Nam chúng ta có bộ Truyện Cổ Phật Giáo do Minh Chiếu sưu tập tương đối phong phú, nhưng lại quá dày không đủ khả năng biếu tặng, phổ cập trong quần chúng. Tôi nghĩ đến việc chọn lọc lại những mẩu chuyện hay, vừa trình độ của mọi lứa tuổi, sưu tập thành một cuốn sách dày chừng hơn 100 trang, dễ biếu tặng, dễ phổ biến.

Tôi đã tìm đọc một số sách như: Truyện cổ Phật giáo, Tích truyện pháp cú, Phật giáo cố sự đại toàn, Nghệ thuật sống, Gương nhân quả, Pháp tạng Phật giáo Việt Nam, Lòng thương yêu loài vật… góp nhặt những mẩu chuyện hay tập thành cuốn sách nhỏ tựa đề “Lành dữ nghiệp báo”. Rất mong tác giả và dịch giả những cuốn sách trên hoan hỷ cho phép tôi cùng quý vị phổ biến đến với tất cả mọi người. Hy vọng qua những mẩu chuyện này, người đọc sẽ hiểu được đạo lý nhân quả nghiệp báo, chuyển hóa bản thân ngày một tốt đẹp, có hạnh phúc an lạc, sống có ích cho mình và người thì đó là niềm vui lớn nhất của người sưu tập.

 Nếu như người đọc cảm nhận cuốn sách này có lợi ích thiết thực trong đời sống, xin hãy phổ biến cho nhiều người cùng đọc để cùng được lợi lạc.

 

Lưới Cá Lưới Cả Mình

        Anh Long ngụ tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, sinh sống bằng nghề lưới cá. Mỗi ngày anh bắt được rất nhiều cá và bán được khá tiền.

Anh có một vợ và hai con. Vợ anh hằng ngày ra chợ bán cá do anh bắt được, có khi mua thêm cá của người khác để bán. Hai con anh, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi hiện còn đi học. Mặc dù cả hai vợ chồng đều làm ra tiền nhưng cuộc sống gia đình cũng không khá lắm. Vợ anh thường xuyên đau ốm với Chứng bệnh suy tim, thỉnh thoảng phải vào viện cấp cứu. 

Hai đứa con thì èo uột, ốm yếu và chậm phát triển, mặc dù đã chữa trị bồi bổ rất nhiều nhưng chúng cũng không khá hơn. Riêng anh thì mắc chứng bệnh say xỉn. Hằng ngày, cứ chiều đến là đi nhậu với bạn hoặc rủ bạn về nhà nhậu cho đến tối mới nghỉ. Vợ khuyên anh không nghe lại còn kiếm chuyện la mắng. Vợ chồng thường xuyên lớn tiếng với nhau. Gia đình sống không được hạnh phúc.

   Một hôm, như mọi ngày, anh giăng lưới trong một cái ao sâu hơn 2 mét. Vài giờ đồng hồ sau, cá mắc lưới khá nhiều, anh ngồi trên chiếc xuồng nhỏ chèo ra giữa ao để gỡ bắt cá bỏ trên chiếc xuồng, do mải mê cúi xuống gỡ cá trong lưới, anh bị mất thăng bằng lộn nhào xuống ao, người mắc vào lưới. Anh càng cựa quậy cố thoát ra thì lưới càng quấn chặt. Cuối cùng anh phải bị chết giống như những con cá mà anh lưới bắt hằng ngày. 

   Dân làng được tin kéo nhau đến xem. Nhìn cảnh anh bị lưới quấn chết dưới lòng ao, ai cũng thương xót và thấy rõ nhân quả hiện tiền.

 

Người thợ săn tàn nhẫn

           Một buổi sáng, thợ săn Koka vào rừng với cung tên và bầy chó săn. Anh ta đi từ nhà vào rừng. Vừa đến bìa rừng thì gặp một vị sư từ trong rừng đi ra làng để khất thực. Không may buổi sáng hôm đó, anh thợ săn không tìm được con mồi nào. Anh nghĩ là vì gặp vị sư nên mới bị xui xẻo như vậy.

Buổi trưa trên đường trở về nhà, anh thợ săn lại gặp vị sư hồi sáng đang đi về Tịnh xá của mình trong cánh rừng. Anh thợ săn tức giận, xua chó cắn vị sư. Ngài hoảng quá vội trèo lên cây, bầy chó vây quanh dưới gốc. Thợ săn cay cú nói với lên:

   - Đừng tưởng thoát khỏi nanh vuốt của ta nhé!

Rồi hắn lấy cây đâm vào chân vị sư. Ngài van xin nhưng hắn mặc kệ, cứ đâm hết nhát này tới nhát kia. Ngài kéo chân đó lên và thò chân kia xuống. Hắn lại đâm tiếp. Ngài lại kéo chân kia lên. Ngài quá đau nhức như thể ngồi trên ngọn giáo, đến nỗi không còn chú ý đến chuyện gì hết, chiếc y ngoài rơi xuống mà Ngài chẳng hay, và chiếc y chụp xuống đầu thợ săn trùm đến chân.

   Bầy chó tưởng là vị sư rớt trên cây xuống, chúng nhào lại cắn anh thợ săn cho đến chết. Lúc ấy, vị sư bẻ một cành cây khô ném xuống. Thấy vị sư, chúng mới biết là mình đã cắn chết chủ mình, liền cong lưng chạy vào rừng.

Vị sư bất an khi thấy anh thợ săn mất mạng vì chiếc y của mình. Ngài trở về kể đầu đuôi câu chuyện cho Phật nghe và hỏi Phật mình vô tội hay có tội, còn là tu sĩ  hay không. Đức Phật trả lời:

   - Tỳ kheo! Sự vô tội của ông vẫn nguyên vẹn, ông vẫn là một tu sĩ. Người nào xúc phạm đến người vô tội sẽ bị quả báo đau khổ.   

 

Người đồ tể giết heo

         Cun-đa (Cunda) sinh sống bằng nghề mổ lợn trong suốt 55 năm và được mệnh danh là tay đồ tể dạn dày kinh nghiệm. Thoáng nhìn qua con heo là ông biết ngay nó khoảng bao nhiêu ký, mắc bệnh hay khỏe mạnh, thịt nạc nhiều hay thịt mỡ nhiều v.v… Ông dành một khoảng đất trống khá rộng phía sau nhà, rào chắn cẩn thận, thả heo vào đó và nuôi chúng bằng đủ loại thức ăn, kể cả chất thải của con người.

   Khi nào muốn giết lợn, ông buộc chặt con heo vào một cột trụ, dùng một khúc cây quất nó cho da thịt phồng lên và mềm ra. Sau đó ông banh miệng heo, nhét vào đó một cái nêm và đổ nước sôi vào. Nước sôi sẽ vào bụng heo, ngấm vào ruột non, ruột già, làm lỏng phân và tống các chất cặn bã theo đường hậu môn ra ngoài. Bao lâu nước thải còn đục là ông còn tiếp tục đổ nước sôi vào miệng heo. Làm như vậy cho đến khi nào nước trong bụng heo thải ra trong sạch mới thôi.

   Phần nước sôi còn lại ông đem đổ trên lưng heo cho bong hết lớp da đen đúa, rồi dùng một bó đuốc thui cháy hết lông, cắt đầu, lấy máu trét khắp thân heo, sau đó quay nó trên lửa cho thật chín rồi cùng vợ con ngồi lại bên nhau đánh chén. Nếu thịt còn thừa thì ông đem ra chợ bán. Ông sinh sống như vậy trong suốt 55 năm mà không hề thân thiện hay quà cáp cho ai chút gì, ngay cả đức Phật ở tại một Tịnh xá gần làng mà ông cũng không bao giờ lui tới hay cúng dường Ngài một vốc gạo, một cành hoa! Ông sống keo kiệt, lầm lủi, chỉ biết đến vợ con và gia đình mình. 

   Rồi một hôm, ông bị căn bệnh hiểm nghèo ập đến, dày vò hành hạ ông cả ngày lẫn đêm. Ông chỉ cầu mong sao cho sớm trút hơi thở cuối cùng, nhưng không được. Ông đau đớn quằn quại và lửa dữ cứ phừng phừng, hừng hực trước mắt ông. Ông cảm thấy đầu óc bị quay cuồng bởi những tiếng kêu la thất thanh eng éc, tay chân tê buốt như bị trói chặt, ruột gan nóng rát như bị thiêu đốt và đứt ra từng đoạn. Ông lăn lộn, vật vã, tru tréo; rồi bỗng dưng ông chồm dậy, trợn mắt, nhe răng, gầm gừ, chắp nuốt như heo và bò đi lổm ngổm, xiêu vẹo khắp sàn nhà. Chốc chốc, ông lại húc đầu vào tường và kêu lên the thé như tiếng heo sắp tắt thở. Người nhà cố giữ ông lại. Kẻ thì bịt miệng, người thì cột tay chân và bấy giờ, trông ông giống như một con heo bị trói nằm trên sàn.

   Vừa thương, vừa sợ, vừa cảm thấy tội nghiệp cho cha, ông của mình, con cháu trong nhà luân phiên túc trực, đóng cửa cài then, canh phòng nghiêm mật, để cho ông được tự do bò tới bò lui trong nhà và mặc sức gầm gừ tru tréo. Đến ngày thứ bảy, ông lăn đùng ra chết và bị đọa vào địa ngục A-tỳ. 

    Một số Sa-môn, trên đường khất thực, ngày ngày đi ngang qua nhà Cun-đa, thấy cửa ngõ kín mít nhưng trong nhà thì ồn ào với tiếng heo kêu eng éc, bèn đến gặp đức Thế Tôn và thưa rằng: 

   - Bạch Thế Tôn, trong bảy ngày qua, cửa ngõ căn nhà của đồ tể Cun-đa đóng kín mít nhưng trong nhà họ vẫn tiếp tục mổ heo, chắc ông ta sắp mở tiệc lớn. Bạch Thế Tôn, biết bao nhiêu heo đã bị giết chết! Rõ ràng là ông ta không có một chút thiện tâm, nhân ái gì cả! Chưa thấy ai dã man tàn ác như ông ấy!

   Này các thầy Tỳ kheo! – Đức Thế tôn nói – Nhân nào thì quả nấy. Sự trừng phạt nào cũng phù hợp với hành động quá khứ của mỗi người. Ngay khi còn sống, Cun-đa cũng đã bị thiêu đốt bởi ngọn lửa hung tàn của nghiệp lực. Do vậy mà ông phải bò tới bò lui, xiêu xiêu vẹo vẹo, té lên té xuống và gầm gừ rên rỉ giống như heo trong bảy ngày liền. Hôm nay, ông ấy giã từ dương thế thì lại bị đọa vào địa ngục A-tỳ.

    - Bạch Thế Tôn – các Sa–môn nói –  “Cun-đa đã bị đau khổ ở đời này, khi tái sinh ở nơi khác cũng bị đau khổ nữa sao?”.

    - Đúng vậy! Này các thầy Tỳ kheo, những ai buông lung phóng dật, keo kiệt, ác tâm, tu sĩ hay cư sĩ cũng bị điêu linh khốn khổ ở hai nơi như nhau.

             Ngài đọc kệ:

             Nay buồn, đời sau buồn,

             Làm ác hai đời buồn,

             Hắn u buồn, tàn tạ,

             Thấy ác nghiệp mình luôn.

 

Cò Và Cua

   Một hôm, Phật thuyết pháp cho vua Bình Sa Vương, A Xà Thế và một số trẻ em trong hoàng cung. Ngài nói:

   - Dùng mưu mô xảo trá để mưu đồ một việc gì, không bao giờ thành công. Ác nghiệt, bạo tàn chỉ đem lại kết quả thảm khốc.

   Hôm nay, ta sẽ kể câu chuyện đã xảy ra hàng ngàn kiếp trước. Câu chuyện về con cò, con cua và những con cá. 

Trong một tiền thân xưa kia, ta là một vị thần ở cổ đại thụ. Cổ đại thụ mọc trên một khoảng đất, hai bên có hai cái đầm: một cái nhỏ xấu, một cái lớn trông rất ngoạn mục. Trong cái đầm nhỏ có rất nhiều cá, đầm lớn sen mọc che kín mặt nước. 

Gặp một năm, trời làm tiêu khô, hạn hán, đầm nhỏ nước cạn gần hết, trái lại cái đầm lớn có sen phủ, không bị cạn, nước lúc nào cũng mát rượi.

   Tình cờ, một con cò đi ngang qua đó, nhìn thấy trong đầm nhỏ cá nhiều vô kể. Nó đứng lại, co một chân lên suy nghĩ:

“Cá nhiều thế này, tuyệt quá, nhưng giống này lanh lắm, đụng vào, chúng sẽ lủi bằng hết, vị tất đã bắt được con nào. Ta không nên kinh động, phải lập mưu mà tỉa dần”.

“Nhưng nghĩ cũng ái ngại cho chúng, chen chúc nhau trong bùn nóng, nếu chúng được sang đầm bên kia, chúng được vẫy vùng, sung sướng lắm”.

Trong đàn cá, có một con thấy cò dáng điệu kỳ khôi, co một giò đứng hàng giờ không nhúc nhích, như một tu sĩ quán thiền nhập định bèn hỏi:

   - Tôn ông chắc có điều gì thắc mắc mà trầm tư mặc tưởng lâu thế?

   - Đúng thế em ạ, nhìn thấy các em, anh không khỏi mủi lòng, nghĩ thân phận của các em, anh rất lo và ái ngại!

   - Tại sao tôn ông nói lo và ái ngại cho chúng em?

Cò nói:
   - Các em không thấy ư? Nước cạn đã nhiều, nếu trời cứ nắng như thế này, chẳng mấy lúc nước cạn hết, lúc đó các em sẽ ra sao, các em không nghĩ đến điều đó à? Các em sẽ chết khô hết. Nghĩ thế, nên ta không cầm nổi nước mắt.

Đàn cá nghe cò nói, hoảng cả lên, đứng khấu đầu trước vị cứu tinh, năn nỉ:

   - Tôn ông ơi! Tôn ông có mưu chước gì tế độ, giúp chúng em thoát khỏi cảnh hiểm nghèo này không? 

   Cò làm bộ nét mặt rầu rầu, vờ đứng suy nghĩ một chút, rồi chậm rãi nói:

   - Anh suy nghĩ đã nhiều, chỉ có một kế rất hay có thể cứu các em trong tình trạng nguy ngập này.

   Đàn cá chen lấn nhau, lắng tai, cố nghe rõ, cò nói:

   - Ở gần đây có một cái đầm tuyệt đẹp, rộng lớn hơn cái này nhiều, sen mọc phủ đầy đầm, nước vì thế không cạn. Các em di cư sang ở bên đó, anh lấy mỏ gắp từng em một chuyển sang, chỉ có cách đó mới có thể thoát được cảnh hiểm nghèo thập phần nguy ngập này.

   Đàn cá nhiệt liệt hoan hô tán thưởng. Bỗng có một con cua la lớn:

   - Thật từ thuở lọt lòng mẹ tôi ra đến giờ, chưa bao giờ thấy có chuyện kỳ khôi như thế này!

Đàn cá nhao nhao lên chất vấn con cua:

   - Chú mày lạ cái gì? Lạ làm sao? 

   Cua trả lời:

   - Từ khai thiên lập địa đến giờ, có thuở nào cò thương hại bọn cá, cua chúng mình. Chỉ khi nào nó đói, nó mới mò mẩm hỏi thăm anh em mình. 

Cò làm ra bộ nhân đức nghĩa hiệp, xen vào:

   - Chú cua ơi! Lời nói của chú thất đức, tội quá, chú gieo rắc sự nghi kỵ, để cả bọn này chết thảm, chết nhục hay sao? Anh chỉ tâm niệm, cố làm sao cứu được các em trong lúc này là anh sung sướng, anh không có tà tâm ác ý nào!

Quay về đàn cá, cò nói:

   - Lòng anh trong trắng, các em không nên nghi kỵ, phụ lòng. Muốn rõ hư thực hãy cứ chỉ định một em, anh quắp sang bên kia chơi ít lâu rồi anh lại quắp về. Em đó sẽ tường thuật lại, các em sẽ rõ, lời anh nói, việc anh làm có đúng không.

   Đàn cá tán thưởng ý kiến đó, đề cử một chú cá già mắt kèm nhèm, cho là chú này khôn ngoan cử đi công cán để thăm dò đường đất. Cò lấy mỏ quắp chú cá sang đầm bên kia, thả xuống. Chú cá già tha hồ tung tăng, vùng vẫy thỏa thuê.

   Khi ủy viên công cán trở về với đồng bọn, nó ca ngợi cò hết lời, tường thuật đầm bên kia thật là bồng lai tiên cảnh.

   Tất cả đàn cá nghe nói thích quá, suy tôn cò là vị cứu tinh, nhao nhao xin cò hoan hỷ chuyển vận di cư sang ngay bên đó. Cò nói:

   - Anh xin hết lòng phục vụ các em, anh sẽ chuyển các em sang dần. Chú cá già được cò quắp mỏ đi tiên phong. Lần này, cò có đem chú cá già sang đầm sen đâu, cò đem chú đặt trên chảng ba của cây cổ thụ, rỉa hết thịt ăn còn xương vứt dưới gốc cây. Ăn thịt cá già, cò quay về đàn cá:

   - Nào, em nào muốn đi với anh bây giờ? 

   Tất cả đàn cá nóng lòng muốn biết cảnh non bồng tranh nhau đi, cò tha hồ lựa chọn, con nào vừa mắt đem đi ăn cho thỏa thích.

   Dần dần cả đàn cá, con lớn, con nhỏ, con già, con trẻ được định cư vào bụng cò tất cả, đầm chỉ còn sót lại một con cua. Cua vẫn thắc mắc nghi ngờ sự man trá, thủ đoạn của cò. Nó nghĩ:

   - Ta nghi quá, đàn cá đư�