Loading ...

Tin Phật Là Người Giác Ngộ Hoàn Toàn

Trước hết, chúng ta nói về tin Phật. Vậy tin Phật là tin như thế nào? Lâu nay chúng ta cứ ngỡ tin vào đức Phật là tin Ngài có đủ tất cả các năng lực nhiệm mầu, huyền bí, có đủ điều kiện ban phước giáng hoạ như bao nhiêu người thường lầm tưởng, nên khi đến chùa đa số đều cầu xin chớ không thật sự tu tập để tăng trưởng phước đức nhằm chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Niềm tin đối với Phật không giống như thần linh thượng đế trong thời xa xưa, tin Phật ở đây có khả năng giác ngộ của một con người bằng xương bằng thịt giống như tất cả mọi người chúng ta. Chúng ta thường tin Ngài sẽ đem đến an vui, hạnh phúc cho chính mình, sẽ gia hộ cho ta bình an mà không cần phải tu tập. Nhưng sự thật có phải như vậy không? Chúng ta tin Phật vì Ngài là bậc giác ngộ viên mãn, từ một con người phàm phu tục tử như chúng ta do quyết chí buông bỏ, tu hành mà thành tựu đạo pháp. Ngài là một con người giống như tất cả mọi người, Ngài tu hành thành Phật thì ta cũng có thể thành Phật như Ngài, nên Phật nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.

Tin Phật Là Người Giác Ngộ Hoàn Toàn

Chữ Phật nói cho đầy đủ là Phật đà, có nghĩa là người giác ngộ hoàn toàn, không còn bị các thứ ngũ dục ở thế gian chi phối. Vì giác ngộ viên mãn nên những gì Ngài chỉ dạy cho chúng ta đều là chân lý tối cao đúng với lẽ thật. Phật là danh từ chung chứ không phải của riêng chúng sinh nào, ta cũng là một chúng sinh nên cũng có thể thành Phật. Vậy chúng ta tin Phật là tin người giác ngộ hoàn toàn, một bậc giác ngộ sẽ giúp chúng ta thoát khỏi mê lầm từ muôn kiếp để được thanh tịnh, sáng suốt, chớ không phải tin Ngài có khả năng ban phước, giáng hoạ giúp cho ta được mọi điều như ý muốn. Phật dạy: “Ta không có quyền ban phước, giáng họa cho một ai”.

Chúng ta đọc lịch sử đều biết rằng đêm thứ 49 Ngài ngồi Thiền định dưới cội Bồ Đề, từ canh một cho tới canh hai Ngài chứng được Túc Mạng Minh, tức là nhớ biết lại vô số kiếp về trước Ngài làm gì, ở đâu; từ canh hai cho tới canh ba Ngài chứng được Thiên Nhãn Minh, thấy rõ chúng sinh theo nghiệp tái sinh trong 6 đường luân hồi; từ canh ba cho tới canh năm Ngài chứng được Lậu Tận Minh, thoát ly được luân hồi sinh tử hoàn toàn và biết rõ nguyên nhân nào khiến chúng sinh phải trầm luân sinh tử. Đức Phật sau khi đã chứng được Túc mạng minh, Ngài nhớ lại vô số kiếp về trước cả hàng trăm ngàn kiếp, chớ không phải năm mười kiếp mà thôi. Trong kinh Phật thường nói: “Ta nhớ lại vô số kiếp về trước như người nhớ việc mới xảy ra chiều hôm qua, nhớ rõ ràng như người đang đói khát thèm thức ăn trong từng phút giây”. Do đó, Ngài biết được mình từ đâu đến và sau khi chết đi về đâu nên chứng tiếp Thiên nhãn minh, Ngài có con mắt thấu rõ, thấy suốt từ những vật nhỏ nhẹm nhất cho đến xa tít tận trời cao, bao la trong vũ trụ, mà con mắt phàm phu tục tử của chúng ta không thể nào thấy được. Ngài thấy rõ tất cả chúng sinh sau khi chết rồi không phải là hết, mà chỉ thay hình đổi dạng theo nghiệp tái sinh trong luân hồi lục đạo.

Trong sáu đường luân hồi ta thăng lên, lộn xuống, gồm có ba đường lành và ba đường dữ. Ba đường lành là cõi người, A-tu-la và cõi trời. Ba đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Nếu chúng ta gieo tạo nghiệp thiện lành, tốt đẹp thì khi nhắm mắt lìa đời sẽ đi theo ba đường lành sống đời an vui, hạnh phúc. Nếu ai gieo nghiệp xấu ác thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà khi nhắm mắt ra đi sẽ bị rơi vào ba đường dữ, chịu khổ đau không có ngày cùng. Do thấy biết đúng như thật từ sự buông xả tất cả mọi vọng niệm dù tốt hay xấu nên đức Phật nói: “Ta thấy chúng sanh trôi lăn trong 6 đường luân hồi sinh tử như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường, thấy kẻ qua người lại rõ ràng không lầm lẫn”. Đức Phật thấy rõ dòng luân hồi của tất cả chúng sinh từ đời này sang kiếp nọ không có ngày thôi dứt, nên Ngài mới chỉ dạy chúng ta biết cách tu tập để thoát khỏi sinh-già-bệnh-chết của dòng luân hồi vô tận trên thế gian này. Cho đến canh năm khi sao mai vừa mọc, Ngài đã chứng được Lậu Tận Minh, biết cách thoát khỏi mọi trói buộc do phiền não tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến gây ra bởi chấp thân tâm này làm thật ngã. Điểm đặc biệt là Phật không bắt chúng ta nhất quyết phải tin theo như các giáo điều khác mà ta có quyền kiểm chứng, nghiệm xét lại coi có đúng tinh thần nhân quả và có lợi ích thật sự cho mình và người hay không.

chung sinh la phat

Thoạt đầu, đức Phật thấy tất cả chúng sinh từ vô số kiếp về trước đã từng sinh sống, làm gì, ở đâu trong lục đạo luân hồi. Chúng ta tự kiểm lại xem mình có mang tính cách gì của quá khứ dẫn đến hiện tại hay không? Ngài thấy có khi cũng đã hưởng phước báo tối cao ở các cõi trời muốn gì được đó, và ngược lại có lúc phải chịu đoạ lạc vào chỗ khốn cùng do gây tạo nghiệp nhân xấu. Ngài đã nhớ lại vô số kiếp về trước một cách rõ ràng, tường tận. Khi đã chứng được Lậu Tận Minh, Ngài thấu tột được nguyên nhân nào khiến chúng sanh trầm luân trong sanh tử, và phương pháp nào đưa chúng sanh ra khỏi vòng luân hồi ấy, không còn bị buộc ràng trong lục đạo nữa. Biết rõ nhân và quả như vậy nên Ngài dạy chúng ta cách tu hành thoát ly sanh tử. Từ chỗ tu chứng ấy, những gì Ngài thấy biết và nói lại cho chúng ta nghe đều là chân lý, là sự thấu triệt nguồn gốc của con người và muôn loài vật. Phật dạy rằng, sở dĩ chúng ta có mặt ở thế gian này là do tích lũy nghiệp của đời trước. Đời trước ta đã từng làm gì thì đời này sanh ra ảnh hưởng nghiệp nhân của đời trước mà cho ra kết quả trong hiện tại. Điều này chứng tỏ học thuyết nhân quả của nhà Phật rất phù hợp với chân lý cuộc đời, không có gì bỗng dưng khi không mà ra, hoặc số phận đã an bài. Đời trước chúng ta đã từng làm việc lành-dữ thì đời này tuỳ theo duyên mà thọ hưởng quả tốt-xấu. Vì vậy, mỗi người chúng ta có mặt trong cuộc đời này đều mang theo những tâm tư, ý niệm, thói quen khác nhau. Bởi thế, tuy cùng là cha mẹ sinh ra nhưng anh chị em không ai giống ai, chỉ giống một phần nào do tính di truyền của gen mà thôi. Đức Phật thấy biết rõ ràng như vậy nhưng nói ra để mọi người hiểu hết sự thật của nó quả là điều không đơn giản chút nào, chỉ ngoại trừ ai đã đủ lòng tin sau khi trải nghiệm. Người Phật tử chân chính nhờ biết nghiệm xét nên thấy rõ ràng đó là một lẽ thật, do đó không nghi ngờ.

Tất cả người thế gian lớn lên đều nghĩ tới chuyện lập gia đình để gầy dựng giống nòi nhân loại, nên hễ ai có quyền cao chức trọng là tìm cách vơ vét cho riêng mình, tìm cách bóc lột người khác gây ra ân oán, thù hằn không có ngày thôi dứt. Đó là quy luật sống ở thế gian, ai làm khác đi thì bị chỉ trích, phê bình, phán xét. Dù biết rằng trong tình yêu lứa đôi ít ai được hạnh phúc trọn vẹn mà đa số chịu khổ nhiều hơn vui. Tuy nhiên, việc đời là như thế nhưng có những người lớn lên đòi đi tu, thậm chí các chú thiếu niên còn nhỏ tuổi vẫn muốn vào nhà chùa để được xuất gia sống đời đơn giản, đạm bạc. Điều này có ai chỉ dạy hay không? Cha mẹ không dạy, thầy cô giáo không xúi bảo, vậy cái gì thúc đẩy để các em phát tâm đi tu. Rõ ràng chủng tử tu của những người này trước đã huân tập, giờ gặp duyên liền phát sinh không cần ai xúi giục, không ai bắt buộc mà tự phát nguyện đi tu. Khi chúng ta hiểu rồi thì biết rằng mọi thứ đều do duyên nghiệp đời trước thúc đẩy, những việc này không phải đời này mới có mà đã được tích luỹ từ trong quá khứ. Sau khi thấy tột lý nhân quả của Phật dạy rồi, chúng ta phải cố gắng làm sao trong đời này tu tạo những nghiệp thiện lành, tốt đẹp, ngăn dừng những việc xấu ác, để khi ra đi ta phải khỏi bận lòng lo lắng mà biết chắc rằng mình sẽ tái sanh trong cõi lành. Nhiều người không hiểu, không biết, rồi cho rằng chết là hết, mặc tình gây tạo tội lỗi để chuốc lấy quả khổ đau. Một số người thế gian không tin mình có con người tâm linh, cứ nghĩ chết là hết, nên khi gặp điều gì quá bức bách không chịu nổi thì đòi tự tử. Họ cứ nghĩ chỉ cần chết là giải quyết xong mọi việc. Giết người thì phải đền tội, luật pháp thế gian còn như vậy, tự giết mình cũng là một cái tội huỷ diệt mạng sống, bởi duyên nợ với gia đình và xã hội chưa giải quyết xong mà ta tự bức bách mình. Hạng người như vậy là thuộc hạng người quá sân hận, chối bỏ tất cả những gì hiện thực, để lại sau lưng nhiều nỗi đau của sự mất mát.

Bản thân chúng tôi đã từng ngu si như vậy, vì không có tiền cưới vợ, vì sĩ diện với bạn bè, người thân, gia đình bên vợ, và nghĩ rằng chết là hết nên uống thuốc tự tử cho xong kiếp khốn khổ này; nhưng vì nghiệp chưa hết, nợ thế gian trả chưa xong mà được cứu chữa thoát qua cơn hiểm nghèo. Không phải ai cũng có may mắn và phước duyên tốt mới vượt qua những tai ương, hoạn nạn trong cuộc đời nếu kiếp trước không gieo trồng phước đức.  Tôi bây giờ đã xuất gia làm người tu Phật nhưng bệnh hoạn liên miên, đủ các chứng bệnh hiểm nghèo, oằn oại, đau thương, vật vã, mất trí nhớ, mệt mỏi, đờ đẫn như kẻ mất hồn. Nhờ có Phật pháp, có Minh sư chân chính cùng thầy lành bạn tốt đã hun đúc cho chúng tôi vượt qua tất cả chướng nạn trong cuộc đời. Hậu quả này cũng từ sự giết hại và huỷ hoại thân mình làm khổ người khác, nên phải gánh lấy hậu quả như thế, may nhờ có tu chút chút nên cũng giảm bớt ưu phiền, sầu muộn.

Đức Phật đã dạy, từ con người cho đến muôn loài vật đều do nhân duyên quả mà thành, nên mọi thứ đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Sỡ dĩ Ngài nói ra là do tu chứng mà thấy, không phải suy luận vu vơ, huyền hoặc, mộng ảo, mà đó là một lẽ thật. Phật thấy chúng sanh theo nghiệp luân hồi chịu quả báo khổ vui, nên nói những bài Kinh dạy về nhân quả-nghiệp báo-tái sinh để chúng ta ý thức mà tu hành. Nếu ai đủ khả năng dứt sạch những nghiệp duyên ràng buộc do tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến gây ra thì sẽ thoát khỏi luân hồi sanh tử. Người Phật tử chân chính phải biết tin sâu nhân quả và ứng dụng nhân quả vào trong đời sống hằng ngày, để làm hành trang tốt đẹp trong hiện tại và mai sau. Chúng ta biết được quả khổ để truy tìm ra nguyên nhân mà tìm cách chuyển hoá chúng thành an vui, hạnh phúc trong giờ phút hiện tại, phá dẹp được nhân gây ra quả khổ thì chúng ta khỏi phải lo lắng, sợ hãi, vì biết chắc ta là người tốt trong hiện tại và mai sau. Như vậy, chúng ta tin Phật là một con người bằng xương bằng thịt cũng được sinh ra từ cha mẹ, do biết cách tu tập, buông xả mà được tự tại, giải thoát, không phải chuyện mơ hồ, huyền hoặc như các học thuyết khác. Đó là ta tin Phật và cố gắng bắt chước làm theo vì ai cũng có tính biết sáng suốt nương nơi thân này. Nhờ vậy, ta phát khởi niềm tin chân chính và hiểu biết sâu rộng mà không dám làm những điều xấu ác, có chăng là do tập khí hại người, hại vật còn quá nhiều trong ta. Ta phải tỉnh giác trong từng phút giây mới dần hồi chuyển hoá chúng được, bằng không thì bỏ được niệm này thì đưa niệm kia vào, cứ như thế ta phải chịu trong cái vòng lẩn quẩn của niệm tốt hay xấu.

niem tin cuoc song

Niềm tin của người Phật tử là gì? Đó là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin giới và tin chính mình có khả năng thành Phật. Tất cả chúng sinh hay loài có tình thức đều có Phật tính sáng suốt ngay nơi thân này. Đó là lòng tin của người Phật tử chân chính. Vì tin rằng mình có tâm giác ngộ, có khả năng thành Phật, nên chúng ta cố gắng nuôi dưỡng Bồ đề tâm bằng cách thực tập 4 oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi. Sự phát khởi Bồ đề tâm đó ở ngay nơi mắt thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Sự vận hành của nó tác động qua thân xúc chạm và ý nhận biết rõ ràng. Người Phật tử chân chính là người có lòng tin sâu sắc không thối chuyển, tin tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật, nên không khinh khi bất cứ một ai. Người đó tìm cách gần gũi, thân cận mọi người để tạo điều kiện cho họ phát khởi được Bồ đề tâm, nuôi dưỡng được Bồ đề tâm, làm cho Bồ đề tâm thêm lớn mạnh. Chính nhờ vậy, con người biết cách hoà hợp, cùng san sẻ tình yêu thương bằng trái tim hiểu biết để giúp nhân loại cùng vui sống trong bình yên, hạnh phúc. Đạo Phật thâm nhập vào nơi đâu thì nơi đó có chất liệu của sự yêu thương, gắn bó với nhau bằng tình người trong cuộc sống. Như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa có nói, Bồ tát Thường Bất Khinh tu hạnh khởi mở Phật tính cho mọi người biết. Dù bị người đời mắng chửi, nguyền rủa, đánh đập, nhưng Ngài vẫn không than vãn hay oán trách một ai, mà còn nói rằng: “Tôi không dám khinh các Ngài vì các Ngài sẽ thành Phật”. Suốt một đời Bồ tát chỉ nói như vậy và không buồn phiền một ai, nên tâm tư Ngài trong sáng, thanh tịnh, nhiệm mầu, làm cho nhiều người cảm nhận được niềm an lạc vô biên mỗi khi gặp Ngài.

Niềm tin là chất liệu cần thiết cho sự sống của tất cả mọi người. Con người nếu không có niềm tin chân chính thì khó có thể sống đàng hoàng mà sống thác loạn, điên cuồng, buông thả, bất cần đời, nên khi phước hết thì chịu hoạ vô cùng cực. Nhưng niềm tin là gì và tin vào cái gì? Đó là vấn đề mà mỗi chúng ta phải tự vấn để thẩm định giá trị niềm tin của mình. Nếu ta tin tưởng vào một điều gì đó mà dẫn đến bế tắc, gây ra khủng bố, bạo động, mất an ninh trong cuộc sống thì đó không phải là niềm tin chân chính mà là cuồng tín; còn tin mà không hiểu điều mình tin là gì thì đó là mê tín. Chúng ta chắc chắn không phải là những hạng người này vì chúng ta là Phật tử. Cho nên, tin Phật là một con người bằng xương bằng thịt như chúng ta, cũng sinh ra từ cha mẹ và lớn lên có vợ con, sống đời vương giả mà người đời ai cũng mong muốn; nhưng hạnh phúc ấy chỉ tạm bợ và đi đôi với khổ đau, Ngài bỏ lại sau lưng hết tất cả để sống đời đơn giản, đạm bạc, và cuối cùng dứt được kiếp luân hồi sinh tử, không còn phiền não tham-sân-si chi phối. Chúng ta cũng như Phật, nếu quyết tâm tu hành đến nơi đến chốn thì cũng sẽ thành Phật trong tương lai, vì tất cả chúng sinh đều có tính biết sáng suốt hằng chiếu soi muôn sự vật.

Zalo
Hotline
Liên hệ
0938 248 199