Loading ...

Những Câu Chuyện Thiện Ác (Phần Cuối)

Hà khắc người nghèo họa đến con cháu

   Vào đời nhà Thanh, ở huyện Mậu Danh tỉnh Quảng Đông có một vị khoa trưởng tên là Đinh Tông Thần, tánh tình hà khắc, khinh bần hại phú. Thấy người nghèo khổ thì lại khinh bạc, thấy người giàu sang lại tìm cách chiếm đoạt tài sản của họ, thấy người kiện tụng liền tìm cách nhận của hối lộ. Từ trước tới giờ chưa từng làm được một việc thiện nào cả. 

   Về sau, ông lấy vợ sinh được năm người con, song cả năm đều bị tàn phế: một đứa điếc, một đứa què, một đứa đui, một đứa tê liệt, còn một đứa thì hai bàn tay không có một ngón nào cả. Bà con thân bằng cũng dần dần xa lánh ông ta. Có một lần Đinh Tông Thần vì có hành động bất lương nên bị bãi chức. Mấy năm sau gia sản tiêu tan, không người giúp đỡ, đến nỗi cả nhà đều đi ăn xin, lưu lạc khắp nơi, cuối cùng chết trong đói khổ.

   Lòng người dễ gạt, thiên lý khó lừa, hà khắc hại người, phước đâu mà hưởng. Cái gương của họ Đinh kia đủ để chứng minh cho lẽ tuần hoàn nhân quả, đồng thời cũng làm gương cho hậu thế tự soi mình.

 

Cây táo núi Thiết Sơn

   Xưa, trên núi Thiết Sơn có một cây táo to lớn không biết mọc từ thời đại nào, chỉ biết rằng từ xưa tới nay, chưa ai hề trông thấy nó có qua dù là rất nhỏ. Vì thế, nhân dân ở chung quanh vùng đều đặt tên là “bất quả thọ”.

   Chí Hiếu–một tiều phu ở miền kế cận, ngày ngày đem tấm thân gầy gò yếu đuối, lên núi kiếm củi bán lấy chút tiền mua rau cháo về phụng dưỡng mẫu thân.
Mẫu thân anh là một bà già hình vóc mảnh mai, tuổi ngoài sáu mươi và chỉ sinh hạ có một mình anh. Ít tháng nay, bà cụ bất hạnh bị đau mà nhà nghèo không có tiền thuốc thang chạy chữa nên dần dần hóa chứng tê bại nằm liệt trên giường, khiến cho Chí Hiếu ngày đêm nung nấu, phần thương mẹ bệnh hoạn, phần buồn cho mình số kiếp hẩm hiu không lo tròn bổn phận làm con.

   Một tối kia, vừng trăng hiền lành từ từ nhô lên khỏi khu rừng và tỏa đầy ánh sáng vào gian nhà ọp ẹp của anh. Trên chiếc chõng tre, lúc này, anh đang kể chuyện hầu mẹ để mẹ khuây khỏa nỗi niềm đau khổ, bỗng anh thấy bà cụ im bặt không trả lời, nghe hơi thở của mẹ đều đều phát ra, anh đoán chắc hôm nay bệnh của mẹ anh có vẻ dễ chịu hơn, nên mẹ anh đã ngủ giấc ngon lành. Nghĩ như thế, anh thấy lòng anh tràn ngập hân hoan liền khe khẽ đứng dậy khép cửa phòng và nhẹ nhàng bước ra nhà ngoài, nơi có kê chiếc giường của anh nằm và cũng là cái bếp để thổi nấu.

   Động tác đầu tiên của anh là mở toang cánh liếp chắn cửa cho ánh trăng thỏa sức chiếu vào, anh giương to lồng ngực hít lấy không khí thì ít mà hít lấy ánh trăng thì nhiều, anh cảm thấy khoan khoái quá bất giác thốt lên:

   - Chà! Đêm nay trăng đẹp làm sao!

Nhất là khi nhìn đến mảnh vườn sạch sẽ trước sân đương tắm dưới ánh trăng vàng, khác nào như rải lên trên cảnh vật một tầng kim cương bảo thạch xem thấy vừa mát mẻ vừa mỹ lệ. Những giọt sương lấm tấm bám đọng vào ngọn cây lá cỏ lóng lánh như sao sa trông nào kém gì những hàng ngọc châu quý giá. Anh nghĩ: “Giá như mẹ ta được mục kích cảnh tuyệt mỹ này chắc người hoan hỷ lắm!”. Vừa nói anh vừa phóng tầm mắt nhìn về nẻo xa, bỗng có một đạo hào quang trắng xóa qua ánh trăng êm đềm và bắn thẳng về anh. Hào quang đó quay mấy vòng rồi rơi xuống ngay chỗ trước mặt anh đứng.

   Chí Hiếu định thần nhìn ra thì chao ôi! Bạch hào quang là một vị lão Hòa thượng!

  Vị lão Hòa thượng này xúng xính trong chiếc áo dài trắng tinh và điểm thêm một chòm râu phất phơ đến rún, trắng như bạc. Chí Hiếu hoảng sợ quá, tóc gáy dựng ngược và khắp mình gai ốc nổi đầy. Anh run lên cầm cập lưỡi líu lại không nói được câu gì, chỉ biết trố mắt sợ hãi nhìn vị lão Hòa thượng.

Hòa thượng ôn tồn cất tiếng bảo rằng:

   - Chí Hiếu! Con chớ có sợ hãi! Bần đạo là Hòa thượng núi Thiết Sơn lại đây với mục đích chữa bệnh cho mẫu thân con, vì lòng hiếu thảo của con đã cảm động đến ta, nhất là lòng ấy đã phát ra từ một người con nghèo nàn như con không tìm ra tiền thang thuốc cho mẹ già thì lại đáng thương đáng cứu lắm!

   Chí Hiếu nghe xong trong lòng xiết bao hoan hỷ, liền quỳ xuống bái tạ vị Hòa thượng. Hòa thượng đỡ anh dậy và vui vẻ an ủi:

   - Con khỏi lo ngại cho bệnh tật của mẹ già! Hãy mau lên đỉnh núi Thiết Sơn, tìm đến cây táo cổ thụ mà hái cho kỳ được một trái đem về dâng mẹ ăn thì bệnh chi cũng sẽ khỏi liền!

   Hơi bán tín bán nghi, anh ấp úng một hồi rồi cung kính thưa cùng Hòa thượng:

   - Bạch Hòa thượng, cây táo này đã từ bao đời chưa hề có một quả nào thì ngày nay có chi để hái?

   Hòa thượng hồn nhiên nhắc lại: 

   - Không, hãy nghe lời bần Tăng, đừng nghi ngờ gì cả!

  Chí Hiếu với bản tính chất phác chậm hiểu nên vẫn còn hồ nghi, liền hỏi lại Hòa thượng:

   - Thật có trái táo như lời Hòa thượng vừa nói không? Nếu vậy thì sung sướng quá!

Hòa thượng vẫn vui vẻ xác nhận:

   - Bần đạo đâu có nói dối ai bao giờ! Cây táo đó sở dĩ lần này có trái là vì cảm thông lòng hiếu của con đối với mẹ già. Vậy con nên mau mau hái trái táo về chữa cho mẫu thân đi!

   Chí Hiếu cuống quýt, thụp lạy Hòa thượng hai ba lần không ngớt, khi ngẩng đầu lên thì Hòa thượng đã biến đi đâu mất.

   Đêm đó, anh hồi hộp quá không sao ngủ được, mặc dầu anh đã cố nhắm mắt hằng giờ. Khi gà gáy sáng lượt đầu, như chiếc máy, anh bật nhổm dậy, nhảy xuống khỏi giường rồi xăm xăm mở cửa, đi một mạch lên đỉnh núi Thiết Sơn, nơi có cây táo “bất quả thọ” xem có trái nào chín đó như lời Hòa thượng đã mách báo đêm qua?

Khi tới chân núi, anh sực nhớ lúc đi đã quên không sang xin phép mẹ và nói để mẹ hay câu chuyện Hòa thượng hiện hình, anh chỉ sợ mẹ anh ở nhà, lúc thức dậy, không thấy anh thì sốt ruột sinh ra lo ngại. Tuy nhiên, việc đã lỡ rồi, anh đành cố mau chân đến đỉnh núi để hái táo mang về. 

   Phong cảnh núi Thiết Sơn lúc này sương lam còn phủ kín dầy đặc, vạn vật như ngừng lại trong vũ trụ im lìm. 

   Mặc dầu trời chưa sáng rõ nhưng đôi chân Chí Hiếu, với nhịp bước không ngừng, vẫn xuyên qua đèo ngang, rồi đến khe dọc, kế đến ghềnh đá, tới khi mặt trời vượt khỏi đỉnh núi âm u, tỏa ánh dịu hiền và huy hoàng lên non sông, thì anh đã leo đến lưng chừng sườn núi. Anh chỉ còn nỗ lực một phen nữa là tới đỉnh tức là nơi có cây táo: “Bất quả thọ” đang chờ đón anh theo như lời Hòa thượng đêm qua.

   Ngặt vì khoảnh núi này ghềnh đá cheo leo, cây mọc rậm rạp, anh cố leo hết những phiến đá nhô ra như tai mèo, thì vấp phải những tấm quái thạch sừng sửng như vách dựng. Nhưng với tâm thành và một chí nguyện hăng hái, anh cũng đã leo được đến đỉnh núi. Lúc đó, mặt trời vừa đứng giữa đầu.

   Anh ngửa mặt lên cây táo, quả nhiên là một cây cổ thọ rườm rà, trong đám lá xanh, lộ ra một trái táo to bằng vóc tay và chín đỏ như son, chẳng khác gì vừng thái dương mọc ở giữa từng mây dày đặc. Anh reo lên:

   - A ha! Quả táo đây rồi. Hòa thượng quả nhiên không nói gạt ta! Trăm lạy Hòa thượng, người thật đã vì kẻ khổ, kẻ bệnh, kẻ nghèo mà mở đường cứu vớt!

   Anh vừa nói vừa tán dương công đức Hòa thượng thì trên cành cây táo, bỗng nhiên thấy nhiều quả táo xuất hiện đồng thời, và chỉ trong phút chốc quả nào quả nấy cũng vừa to vừa chín đỏ làm cho cành cây nặng trĩu phải rũ xuống thấp lè tè.

   Anh mừng quá, hai tay ôm chặt lấy thân cây và đôi chân ngoành ra đằng trước lấy sức đẩy mạnh người lên trên cao như con nhái bầu ôm sát bụng vào cọc tre leo lên giàn. Khắp người anh mồ hôi nhễ nhại tuôn ra, làm ướt cả áo quần. Cũng may, cây mọc ở trên cao nên có khí trời trong gió mát, nhờ đó làm giảm được sự trèo leo vất vả của anh.

Khi anh trèo được lên cây rồi, lòng tham lam bắt đầu mở rộng, anh trẩy hết cành này đến cành khác, tích được một số khá nhiều, anh liền cởi áo buộc lấy, rồi thoăn thoắt đi thẳng một mạch về nhà, vào ngay phòng mẹ nằm, đặt bọc táo trước mặt mẹ và cười cười nói nói:

   - Mẹ! (anh vừa nói vừa giở áo ra) Mẹ ăn đi! Ăn rồi sẽ khỏi hết mọi bệnh, mẹ ạ!

   Mẹ anh mở to mắt nhìn thẳng những quả táo và hỏi:

   - Ồ! Ở đâu có của quý hóa thế này con? Ai cho con? Hay con đi hái trộm của người ta?Mẹ chắc con không làm gì có tiền để mua được nhiều táo quý đến thế!

   - Mẹ ăn đi! Rồi con sẽ kể lai lịch để mẹ nghe!

   - Không! Mẹ sẽ không ăn nếu chưa biết rõ những quả này từ đâu có. Nếu là của phi nghĩa thì không nên ăn con ạ!

   - Con đã nói là mẹ cứ ăn đi, con cam đoan không phải là của ăn trộm ăn cắp đâu mà sợ!

   - Vậy con kể mẹ nghe mau lên! Sao  sáng nay con tự nhiên bỏ nhà đi, mẹ gọi mãi không thấy con, làm mẹ lo hết vía.

   Chí Hiếu liền đem các chuyện xảy ra kể lể: nào vị Hòa thượng cây táo Thiết Sơn hiển hiện ra như thế nào, cùng chuyện đi lấy táo trên cây “bất quả thọ” ra sao, nhất nhất nói cho mẹ nghe một lượt. Mẹ anh nghe rồi hết sức ngạc nhiên, hai tay cứ chấp lại vái lạy và miệng thì luôn luôn niệm Phật.

   Bà cụ tạ ơn Phật, tạ ơn vị Hòa thượng trên núi Thiết Sơn, rồi cầm quả táo đưa lên miệng thấy một mùi hương ngào ngạt xông lên, khi miếng táo vào miệng rồi thì bỗng tiết ra một thứ nước cam lồ vừa mát vừa ngọt, tưởng chừng như nước đó chạy khắp cơ thể đem theo một thần lực thấm nhuần các cơ quan trong người, chỉ trong phút chốc bà mẹ của anh nằm liệt giường hằng mấy tháng, bỗng nhiên ngồi nhỏm dậy và tập tễnh từng bước nhỏ lê được ra đến cửa ngoài.

   Tin này đồn đi, trong vài ngày khắp vùng đều biết tiếng. Cả đến những thị trấn lân cận cũng lũ lượt kéo nhau đến nhà Chí Hiếu xin cứu giúp cho. Người đem cha mẹ lại, người đem anh chị hay vợ con lại, tấp nập đầy nhà, mà toàn là những bệnh kinh niên hiểm nghèo, mười phần khó sống được một. Chí Hiếu liền đem một phần số táo chia cho mọi người, quả nhiên ai ăn xong cũng đều khỏi bệnh.

   Từ đây, nhà Chí Hiếu hết toán này đến toán khác vào. Anh nghĩ bụng: “Tại sao ta không bắt bệnh nhân mỗi người phải đóng một phần tiền phí tổn về công phu của ta đi hái táo? Thiết tưởng làm như vậy cũng hợp lý chứ có sao đâu?”. Nghĩ rồi, anh liền yêu cầu mọi người phải trả tiền thì anh mới cho táo. Thế mà số người đến mua vẫn đông, cứ vài ngày anh lại bí mật lấy táo về bán.

   Chí Hiếu nhờ đó, thu vào rất nhiều tiền, tiền càng vào thì anh càng mở rộng thêm lòng dục vọng. Trước còn thu gấp đôi gấp ba giá đã định, sau thu gấp năm gấp sáu, rồi đến gấp chín, gấp mười. Lúc này để chóng làm giàu, chứ không dòm ngó chi đến cảnh ngộ của người bệnh nghèo túng. Và thấm thoát chỉ trong vòng mấy tháng, một anh tiều phu nghèo nàn bỗng nhiên trở thành một vị giàu có nhất vùng, khiến cho nhiều người phải kinh ngạc.

   Một hôm có người con gái tiến vào quỳ mọp dưới đất cầu khẩn van lơn anh, mỗi lời nói là một hàng lệ giàn giụa:

   - Trăm lạy ông! Ngàn lạy ông! Xin ông bố thí cho tôi một trái táo thần để về dâng mẹ, mẹ tôi bệnh đang hấp hối, chỉ còn trông đợi ở táo thần của ông cứu mạng mẹ tôi!

   Chí Hiếu giả đạo đức, chậm rãi nói:

   - Nghe lời nói của cô tôi cũng thấy thương. Chỉ vì lâu nay táo ít quả quá, nếu cô không trả tiền thì khó lòng mà bố thí cho cô được! Nói xong, anh cất bước đi vào nhà trong, mặc cho thiếu nữ nức nỡ khóc than kêu cầu, nước mắt cứ chảy như mưa, nhưng trước sau anh vẫn giữ một mực không có tiền là không có táo. Thiếu nữ không biết làm sao được đành thất vọng đứng lên đi về.

    Đêm hôm đó, trên đỉnh Thiết Sơn, dưới bóng trăng soi vằng vặc tạo nên quang cảnh rất nên thơ, tân phú ông Chí Hiếu đứng dưới gốc cây táo thần, ngửa đầu lên ngắm nghía tàn cây xanh tươi, bất giác bật lên giọng cười khanh khách tỏ ra vẻ  đắc ý, bỗng có một đạo hào quang vút qua rồi hiện sừng sửng trước mặt anh: vị Hòa thượng áo trắng râu bạc ngày trước! Nhưng vị Hòa thượng lần này không còn tươi cười mà trái lại hiện ra với sắc mặt nghiêm nghị bảo anh:

   - Hỡi Chí Hiếu! Người thiếu nữ đến nhà ngươi ngày hôm qua thật có hoàn cảnh đáng thương! Sao ngươi không thỏa mãn lời ai cầu của kẻ nghèo nàn mà cứ nhất định đòi nhiều tiền mới bán táo cho? Như vậy ngươi quả là người không có tâm từ mẫn mà chỉ muốn mở rộng lòng tham lam dục vọng thôi! Từ nay, cây táo này không cấp quả cho ngươi nữa và bao nhiêu những gì ngươi đã hưởng từ trước, nhất nhất phải thu về!

   Nói xong, vị Hòa thượng lấy tay rút cây táo lên khỏi mặt đất và ném thẳng ra bể Đông.

   Chí Hiếu sợ hãi quá, lủi thủi ra về, trong lòng tuy buồn nhưng yên trí rằng nhà đã giàu có, dù có mất cây táo cũng không sợ. Kịp khi về đến nhà thì bỗng lạ thay! Cửa nhà đã hiện nguyên hình là một túp lều tranh với mái lá bẹp nát y nguyên như khi trước, còn những tòa nhà mới xây cất tráng lệ thì không biết biến đi đâu mà tuyệt nhiên chẳng còn lưu lại một vết tích gì cả! Ngay chiếc áo cẩm đoạn bằng thứ vóc đắt tiền mà anh đang mặc trên mình lúc này cũng chỉ còn là một cái áo vừa rách vừa vá của anh vẫn mặc khi xưa! Anh đứng ngẫm nghĩ cơ nghiệp đã mất mà đành chùi nước mắt, hối hận cho tâm tham lam và buồn cho cuộc đời trở lại nghèo nàn.

 

Nai rừng biết trọng chữ tín

   Trong một khu rừng thẳm trên núi cao có một bầy nai cùng nhau chung sống, con số lên tới cũng cả trăm. Chúng đi theo những cánh đồng xanh mơn mởn, vừa ăn vừa đùa giỡn, chẳng mấy chốc tiến dần đến chốn thị thành có người ở.

   Hôm ấy, nhà vua dẫn đầu một đoàn tùy tùng ra khỏi thành hướng về thôn dã săn bắn. Người ngựa khắp nơi, đoàn nai kinh hãi chạy tán loạn. Có một con nai đang mang thai bị bỏ lạc lại phía sau, không cách nào chạy theo kịp. Vừa đói lại vừa mệt, nó sinh hạ được hai con nai con.

   Nai mẹ mang hai nai con giấu vào một nơi kín đáo rồi vội vàng nghĩ tới chuyện kiếm ăn. Vì trong lòng đang khủng hoảng, nó bất cẩn sa xuống hố. Lo lắng cho hai nai con, nó sốt ruột tìm đủ mọi cách thoát khỏi hố nhưng không thoát được, bèn kêu khóc thảm thiết. Thợ săn nghe tiếng khóc, chạy đến xem thì thấy một con nai lớn, vui mừng vô cùng tính đem lên giết. Nai mẹ liền quỳ xuống, khấu đầu van xin: 

   - Tôi vừa sinh được hai con, song chưa tìm được thức ăn, xin các ông làm phúc thả cho tôi ra một lúc để tôi về thăm các con tôi và chỉ cho chúng nó chỗ nào có nước có cỏ, để chúng nó có thể tự kiếm sống một mình, rồi sau đó trở lại chịu chết. Tôi thề không sai hẹn!

   Thợ săn thấy nai mẹ quỳ xuống với dáng điệu van nài như thế, vừa kinh dị vừa quái lạ, bèn nói:

   - Làm người trong đời ai cũng tham sống sợ chết, huống chi mi là loài thú vật! Bây giờ mi đã đến tay ta, ta bắt được mi rồi, làm gì có chuyện thả mi ra?

Họ không hề có ý định thả nai mẹ về. Nai mẹ khóc ước cả mặt, liên tục khấu đầu cầu khẩn:

   - Mạng sống của tôi hiện thời đang nằm trong tay các ông. Tôi không hề tiếc chút thân tàn này, chỉ thương xót hai con tôi thơ dại. Nếu các ông bằng lòng thả cho tôi về thì hai đứa con của tôi mới còn sống sót được, bằng không chúng nó chỉ còn có nước chết mà thôi!

   Thợ săn thấy nai mẹ van nài với những tình cảm không khác gì loài người, họ không thể nào không cảm động nên cuối cùng thả cho nai mẹ ra đi.

   Nai mẹ chạy về chỗ giấu mấy đứa con, vừa buồn vừa vui, chỉ cho chúng nó biết ở đâu có nước uống và ở đâu có cỏ ăn, xong rơi lệ mà nói:

   - Lúc nãy mẹ ra ngoài, không cẩn thận nên bị rơi vào tay thợ săn, chút xíu nữa thì không về gặp các con được. Vì mẹ lo nghĩ cho các con nên xin họ thả cho ra trong chốc lát để về thăm các con. Các con thật là bất hạnh đáng thương! Từ nay các con sẽ không có mẹ săn sóc nữa. Mẹ hy vọng các con sẽ sống sung sướng sau này!

Nói tới đây, nai mẹ bỏ các con ở lại mà đi. Hai nai con thấy mẹ đi rồi trở về, mừng rỡ vô cùng, bây giờ lại nghe mẹ nói sẽ đi nữa, bèn theo bén gót, vừa đi vừa kêu khóc. Nai mẹ quay đầu lại nói:

   - Các con không thể nào theo mẹ được, nếu không mẹ con chúng ta đều bị giết hết! Mẹ được về thăm các con một lúc như thế, có chết cũng cam lòng! 

Nhưng nai con nhất định theo mẹ cho đến chỗ có cái hố. Thợ săn thấy nai mẹ về, theo sau có hai chú nai con, trong lòng lại thấy bất nhẫn nên thả cho mấy mẹ con nhà nai về hết.

   Họ bèn đem chuyện này lên tâu với nhà vua. Nhà vua cũng thấy loài nai mà biết trọng chữ tín còn hơn loài người, bèn hạ lệnh cấm săn bắn nai, cho nên từ đó bầy nai mới sống tự do, đi lại chơi đùa tự tại trên những cánh đồng cỏ.

   Sinh làm nai mà có chữ tín lại biết thương con như thế, thật không khác gì con người. Chỉ cần có tâm từ bi là ngay trong kiếp này đã được quả báo tốt. Lừa gạt người khác chính là tự lừa gạt lấy mình, giữ chữ tín với người khác tức là tự giúp đỡ lấy mình vậy.

 

Sự tích cây huyết dụ

   Ngày xưa, có một bác đồ tể chuyên mua lợn về giết thịt để mang ra chợ bán. Nhà bác ta ở bên cạnh một ngôi chùa làng. Hằng ngày, vào lúc mờ sáng là lúc Sư cụ bên chùa dậy tụng kinh. Và cũng theo lệ thường khi Sư cụ thức là chú tiểu dậy gõ một hồi chuông mai. Bấy giờ cũng là lúc bác đồ tể sửa soạn giết lợn, cho nên bác ta quen lấy tiếng chuông chùa làm chừng để thức dậy giết lợn hằng ngày. Cứ như thế, ngày nào cũng như ngày nào không bao giờ sai lạc.

   Một đêm nọ, Sư cụ nằm mộng thấy một người đàn bà dắt năm đứa con nhỏ đến trước mặt mình rồi vái lấy vái để, miệng nói: “Xin Ngài cứu mạng! Xin Ngài cứu mạng!”. Sư cụ hỏi người đàn bà:

   - A Di Đà Phật! Cứu mạng là cứu thế nào? Bần Tăng phải làm gì đây?

   Người mẹ có điệu bộ hãi hùng ấy nói: 

   - Ngày mai, xin Hòa thượng hãy cho đánh chuông chậm lại. Như vậy mẹ con tôi rất đội ơn!

   Sư cụ tỉnh dậy không hiểu thế nào. Nhưng tờ mờ sáng hôm đó, theo lời báo mộng, Sư cụ chỉ lâm râm đọc kinh cầu nguyện mà không thức chú tiểu dậy để  thỉnh chuông.

Hôm ấy bác đồ tể ngủ một giấc li bì. Mãi đến lúc mặt trời lên chừng một sào, tiếng chuông chùa mới bắt đầu vang rền làm cho bác giật mình choàng dậy. Thấy trời đã quá trưa, bác không dám giết lợn như thường lệ, vì nếu làm thịt mang ra chợ, chợ đã vãn người rồi. Tức mình vì lỡ mất buổi chợ, bác ta lật đật sang chùa trách Sư cụ. Sư cụ kể lại câu chuyện nằm mộng đêm qua để phân trần với ông hàng xóm, không phải lỗi tại mình.

   Khi về chuồng lợn nhà mình, bác đồ tể ngạc nhiên thấy con lợn nái mới mua ngày hôm qua toan giết thịt sáng nay, đã đẻ được năm con lợn con. Vừa mừng vừa sợ, bác ta kể cho mọi người nghe sự lạ lùng ấy: “Đúng là linh hồn người đàn bà ẩn trong con lợn cái đã tìm cách cứu bầy con của mình khỏi chết”.

   Tự nhiên bác đồ tể sinh ra suy nghĩ. Bác thấy bàn tay của mình đã từng vấy máu biết bao nhiêu sinh mạng. Trong một lúc hối hận đến cực điểm, bác ta cầm cả con dao bầu thường giết lợn của mình chạy sang chùa bộc bạch nỗi lòng với Sư cụ. Bác ta quả quyết cắm con dao của mình trước sân chùa, thề trước Phật đài từ nay xin giải nghệ.

   Không rõ bác đồ tể rồi sau đó thế nào, nhưng con dao của bác tự nhiên hóa thành một loại cây có lá đỏ như máu và nhọn như lưỡi dao bầu, người ta vẫn gọi là cây huyết dụ

 

Con voi hiếu nghĩa

   Vua xứ Ba La Nại một hôm cùng quân lính vào rừng săn thú. Đang lúc đi lùng bắt, bỗng vua gặp con voi trắng như tuyết, mình có sáu ngà, trông đẹp vô cùng, vua tryền bắt sống, rồi đem về triều phú thác cho tên quản tượng trông nom. Từ khi bị bắt, voi rất buồn rầu, không ăn không uống, chỉ đầm đìa nước mắt ngày này sang ngày khác. Tên quản tượng sợ voi chết, vào tâu mọi sự cho vua hay, liền tự mình đến chuồng, rồi bảo rằng: “Tại sao ngươi lại nhịn ăn, nhịn uống và khóc lóc cả ngày như thế?”. Voi liền quỳ xuống, tâu bằng tiếng người rằng: “Tâu Đại vương, tôi còn cha mẹ già ở tại rừng xanh, sức yếu không thể đi kiếm ăn được, chỉ cậy có mình tôi nuôi dưỡng. Nay tôi bị bắt, cha mẹ tôi không ai chăm sóc, chắc chết đói thôi. Tôi sầu khổ vô cùng, thà chết còn hơn là sống mà không trọn phần hiếu đạo. Vậy xin Đại vương mở lòng từ bi tha cho tôi trở về nuôi dưỡng cha mẹ; đến ngày nào cha mẹ tôi qua đời rồi, tôi sẽ xin trở lại để đền đáp ơn nặng của Đại vương!”.

   Vua nghe nói, bùi ngùi cảm động, phán rằng: “Ngươi là loài cầm thú mà biết thương yêu cha mẹ, lo tròn bổn phận làm con, thì ta đây sao nỡ hẹp lòng mà chẳng cho ngươi về!”. Nói rồi truyền tha voi đi, voi được tha, đến trước mặt vua quỳ lạy tạ từ, rồi chạy thẳng vào rừng nơi cha mẹ ở.

   Mười hai năm sau, một buổi vua đang ngự tại triều, bỗng thấy con voi lúc trước chạy về, mình mẩy gầy ốm hơn xưa. Nó đến quỳ lạy vua và tâu rằng: “Tâu Đại vương, cha mẹ tôi bây giờ đã quá vãng cả, công cuộc phụng dưỡng của tôi đã xong. Tôi nhớ lời hẹn cũ, xin nguyện trở lại hầu hạ Đại vương!”. Vua mừng rỡ, khen voi có hiếu và giữ lời hứa, rồi sai người trông nom rất chu đáo con vật quý ấy cho đến khi già chết.

 

Sát hại sinh linh hoạ đến con cháu 

   Ở Triết Giang, Hàng Châu, có một người phụ nữ tánh tình hung hãn. Phàm trong nhà có chuột hay côn trùng bà đều tìm cách giết sạch, vì thế trong nhà ngoài sân tất cả sâu bọ, giun dế, kiến chuột đều bị bà ta giết hết không chừa một con. Bà sát hại vô số sinh mạng như vậy, thế nhưng trong lòng lại thấy vui. Sau khi có chồng, sinh được một đứa con trai nhưng toàn thân đều nổi ung nhọt, trong những mụt nhọt đó nước vàng liên tục rỉ ra, tất cả danh y đều không chữa trị được. Thứ bệnh này làm phát sinh vô số ruồi nhặng. Bà ấy suốt ngày vừa phải lo bắt ruồi nhặng, vừa buồn vì bệnh của con. Không lâu sau đứa bé qua đời, bà ta cũng bất ngờ bị mắc bệnh phong. Có người nói đó là quả báo nhãn tiền do sự giết hại quá nhiều côn trùng của bà ta. Người phụ nữ kia giết hại côn trùng lâu ngày thành tính, không có từ tâm nên không biết rằng các loài động vật dù lớn hay nhỏ cũng đều yêu mến thân mạng của mình giống như bà ta yêu thương con của bà vậy. Những người hiểu biết ai cũng nói rằng bà ta vì nghiệp sát quá nặng, phải bị tuyệt tự nên sinh con ra phải bị chứng bệnh nan y, chưa được mấy tuổi lại phải lìa đời, đó là quả báo trước mắt của những hành động do chính bản thân tạo ra vậy. 

   Người đời ai cũng yêu thương con cái của mình, từ đó mà suy mọi loài cũng đều như vậy, thế thì tại sao lại không biết yêu thương vạn loài như yêu con mình? Mong cho mọi người hãy biết thương yêu nhau, thương yêu đến cả vạn loài, đừng có sinh tâm giết hại bất cứ loài nào, được như thế thì hạnh phúc lắm thay!

 

Gieo gió gặp bão

   Hồi ấy, cách đây hơn 2500 năm, Ấn Độ có rất nhiều học thuyết và giáo phái. Trong số đó có một phái tôn thờ quỷ thần, thủ lĩnh là một bà mập, có giọng nói oang oang, lại thêm có tài hùng biện. Nhờ thế mà phái ấy làm chủ được một vùng.

   Hôm nọ, một tin rúng động từ xa đưa đến: Thái tử Tất Đạt Đa đã chứng thành đạo quả ở gốc cây Bồ đề, hiệu là Thích Ca Mâu Ni, hiện Ngài đã bắt đầu đi truyền giáo, người theo Ngài rất đông. Hay tin ấy, bà mập rất đỗi lo sợ. Bà lo vì ảnh hưởng của đức Phật càng lan rộng thì đạo của bà sẽ hết người tôn thờ. Nhưng lo cũng không khỏi, cái gì đến tất sẽ đến, tín đồ của bà hướng về đức Phật mỗi ngày mỗi đông. Ăn ngủ không yên, bà cố tìm một phương pháp thần hiệu nào để có thể hạ được uy danh của đức Phật. 

   Đêm hôm ấy, trằn trọc mãi không ngủ. Thấy nỗi thắc mắc và lo toan hiện rõ trên mặt của bà, các môn đồ hỏi lý do. Bà cho hay là sáng ngày bà sẽ đi sỉ nhục đức Phật. 

   Vài giờ sau, mặt trời vừa xuất hiện, bà đã đến nơi đức Phật thiền định. Bà la rầy khiêu khích, dùng lời thô tục mắng nhiếc đức Phật. Mặc cho bà quát tháo, đức Phật vẫn ngồi yên lặng. 

   Thấy Phật không trả lời, bà nghĩ là Ngài đã thua cuộc. Do đó bà càng làm dữ hơn nữa. Nhưng lúc mặt trời vừa đứng bóng, bà mệt lả vì bụng đói, khát nước và rát cổ. Bà ngồi phịch xuống đất suy gẫm. Sau cùng bà hỏi đức Phật:

   - Ông kia, sao tôi la rầy ông từ sáng sớm đến giờ mà ông không nói gì cả? Thường thì tôi mắng ai, tôi mắng một họ mắng lại mười. Trái lại, tôi chưa gặp ai như ông, mặc cho người khác nguyền rủa?

   Cơ duyên đã đến, đức Phật xuất định, ôn tồn cất tiếng:

   - Ta hỏi ngươi điều này: Một hôm nọ, nhà ngươi có giỗ, ngươi mang bánh cho hàng xóm, nhưng họ không nhận, thế thì bánh ấy về ai?

   - Ồ! Nghe thiên hạ đồn, ông là bậc giác ngộ, trí tuệ tuyệt vời, song giờ đây nghe ông hỏi, tôi nghĩ buồn cười quá. Tôi mang bánh cho hàng xóm nhưng họ không nhận, vậy thì tôi mang về! 

   Vẫn từ hòa, đức Phật nói:

   - Ngươi mang bánh cho hàng xóm nhưng họ không lấy thì ngươi mang về; cũng như thế, từ sáng đến giờ ngươi biếu ta không sót một tiếng gì nhưng ta không nhận, vậy thì những tiếng ấy tự trở về với ngươi. Điều ấy có khác gì kẻ cầm đuốc đi ngược gió, tất sẽ cháy tay; kẻ đứng ngược gió vãi bụi tất sẽ lấm mình, hoặc kẻ ngửa mặt lên không trung mà nhổ nước bọt tất sẽ bị rơi xuống mặt.

   Suy gẫm một hồi, bà ta xác nhận rằng, mình hại người, nguyền rủa người, tội lỗi về sau mình tất phải chịu. Sau phút suy gẫm, bà cảm thấy đức Phật là một bậc có sức mạnh vô cùng, liền khâm phục và trở nên hòa dịu. Bà đến quỳ trước đức Phật cầu xin sám hối lỗi lầm, xin được quy y. 

 

Tàn nhẫn thành tánh tai ương cả nhà

   Tỉnh Giang Tô huyện Thái Châu có một người đàn ông hung ác tên là Triệu Hỉ Vinh, người này hung bạo tàn nhẫn, ông ta mở một tửu điếm nhỏ làm nghề mưu sinh. Một hôm, có người uống rượu thiếu tiền, mặc dù lúc đó bên ngoài trời rét cóng nhưng ông ta vẫn lột y phục của người khách để trừ nợ. Mỗi lần gặp năm mất mùa, ông ta bèn đi khắp nơi mua lương thực đem về tích trữ đợi giá lên cao mới xuất ra bán, do đó mà thủ lợi vô số. Những người nghèo đến vay tiền của ông, không những phải thế chấp áo quần vật dụng mà còn phải trả thêm lãi suất rất lớn và lúc nào cũng bị khấu trừ trước. Nếu như đến kỳ mà chưa trả thì phải bán cả vật dụng trong nhà để trả nợ. Trong lòng mọi người ai ai cũng oán hận ông ta.  

   Có một năm gặp lúc hạn hán, đất đai khô cằn, trong giếng cũng không có một giọt nước, tửu quán của họ Triệu nửa đêm phát hỏa. Họ Triệu mỗi khi đi ngủ đều đóng bít tất cả các cửa lớn cửa sổ rồi còn gài thêm mấy lần chốt khóa, vì thế khi lửa phát khởi thì khói tỏa mịt mù, chốt khóa cửa không thể tìm ra. Thế là cả nhà từ lớn đến nhỏ đều bị chết cháy. Mọi người đều nói đó là báo ứng. 
   Tạo hóa xoay vần một chút không sai, thần minh soi xét tơ hào không lọt. Họ Triệu kia tàn bạo thành tính, không tin nhân quả báo ứng, cuối cùng phải chịu nhận quả báo hỏa thiêu. Thế nên bậc quân tử luôn luôn khắc kỷ, vị tha mà không dám làm ác, còn kẻ