Loading ...

Hạnh Phúc Hay Không Là Do Duyên

Hạnh phúc hay không là do duyên. Đơn giản là vậy. Duyên đó nằm trong tay của mỗi người. Để có được một mối quan hệ hôn nhân hạnh phúc và bền vững, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của hai cá nhân trong việc thực hiện trọn vẹn vai trò và bổn phận của mình .

Bổn phận của người vợ: Với người phụ nữ nói chung, tiêu chuẩn nhu thuận chiều chồng, mà kinh gọi là người đàn bà hầu hạ đàn ông(19) được xem là một trong năm tiêu chuẩn đặc thù một khi đã lập gia thất. Kinh văn còn tiếp tục khẳng định, trong các hàng thê thiếp/ Nhu thuận là tối thắng(20).

Chiều chồng ở đây không mang tính chất dễ duôi, yếu đuối, đớn hèn mà hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực. Điều này, cũng còn được gọi là sở hành vừa ý chồng(21). Vì đó chính là biết cách vận dụng tính chất nhu thuận, uyển chuyển riêng có của người phụ nữ, nhằm tạo nên một sự hòa điệu, ấm êm, sinh khí trong gia đình. Sở dĩ gia đình mang nghĩa là mái ấm, cũng khởi phát và nương vào tính chất này. Ở đây, ví như người chồng đang nóng nảy, bực bội, người vợ phải biết cách lựa lời khuyên can; người chồng đang đam mê vào một trò vui thế tục nào đó thì người vợ phải lựa lúc, lựa lời, khéo léo sẻ chia.

Biết cách xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương(22) là phương cách hữu hiệu của một người vợ thông minh, cần được thể hiện trong tình huống này. Chiều chồng còn mang ý nghĩa tích cực vì nhờ sự tùy thuận này, một người phụ nữ khéo léo có thể chuyển hóa một người đàn ông theo chiều hướng tích cực, vươn lên. Kinh Tương Ưng đã chỉ rõ, nếu như một người phụ nữ biết khéo léo vận dụng khả năng sắc đẹp, khả năng giới hạnh… một cách tối ưu thì sẽ tạo nên các sức mạnh(23). Với sức mạnh đó, người phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì. Kinh gọi rằng, đời này rơi vào tầm tay của nàng(24), hoặc được khẳng định mạnh mẽ: mong rằng tôi chinh phục được chồng tôi(25). Ở đây, chính là góp phần xây đắp một gia đình hạnh phúc đúng nghĩa.

Hạnh phúc hay không là do duyên

Một trong những bổn phận quan trọng của người phụ nữ là phải biết giữ gìn tài sản của gia đình. Ở gia đình thuở xưa, mặc dù đàn ông làm chủ, nhưng thực tế điều phối tiền tài, sản vật cũng như các khoản chi dụng… đều do người phụ nữ quyết định. “Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, chúng ta cần phải phòng hộ, bảo vệ chúng”26. Truyền thống này, ở một số nước Nam Á ngày nay vẫn còn vận dụng. Tuy thực tế xã hội ngày nay đã có sự phân định rạch ròi và thông thoáng hơn trong việc giữ gìn tài sản giữa chồng và vợ, nhưng ít nhất, việc một người phụ nữ quản lý và sử dụng hợp lý những khoản chi tiêu căn bản của gia đình là việc làm rất mực cần thiết, dù ở thời đại nào.

Ở đây, một trách vụ cũng cần phải kể đến của người phụ nữ khi sống trong một gia đình đông đảo, hoặc gia đình có sự hỗ trợ của người giúp việc như gia đình hiện đại ngày nay, hoặc những gia đình có tổ chức sản xuất nhỏ theo kiểu doanh nghiệp tư nhân… thì việc điều hành, phân bố công việc cho những người làm, quan tâm chế độ dinh dưỡng, quan tâm đến sức khỏe khi họ ốm đau… cũng là một trong những bổn phận của người phụ nữ. Phật dạy: Này các thiếu nữ, các con cần phải học tập như sau: “Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, chúng ta sẽ phải biết công việc của họ với công việc đã làm; chúng ta sẽ phải biết sự thiếu sót của họ với công việc không làm. Chúng ta sẽ biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh. Chúng ta sẻ chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo phần của mình”(27). Quan tâm đến việc giữ gìn tài sản gia đình, điều hành và ổn định người giúp việc là một trong những bổn phận của người phụ nữ. Thực hiện đúng vai trò này, người phụ nữ quả xứng danh là Nội tướng theo quan niệm của Á Đông.

Một bổn phận cần có của người phụ nữ là khéo léo trong những giao tiếp, khoản đãi liên hệ đến bạn bè cũng như các bậc trưởng thượng của chồng. Những ai có người chồng kính trọng Sa-môn, Bà-la-môn như cha mẹ, nữ nhân ấy cung kính tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường(28). Với bạn bè của chồng, phải ứng xử như là thượng khách, với các bậc trưởng thượng, phải cung kính và cúng dường khi có thể. Khéo tiếp đón bà con(29)  là một bổn phận mà người phụ nữ cần phải kiện toàn. Do vì bản thân nắm giữ các khoản chi tiêu, người phụ nữ hoàn toàn thuận lợi khi sắp đặt các khoản thù tiếp, khoản đãi. Với chồng, bạn bè là quan trọng. Thiết đãi bạn bè chính đáng và hợp lý sẽ làm cho người chồng được nể trọng và tôn vinh trong mắt bạn bè. Quan niệm sang vì vợ ở một nghĩa nào đó, thì hoàn toàn đúng trong trường hợp này. Thực hiện trọn vẹn vai trò này, vị trí người phụ nữ sẽ tỏa sáng trong mắt người chồng thương yêu.

Trong các tiêu chuẩn đạo đức căn bản của một người cư sĩ, tiêu chuẩn chánh hạnh là một tiêu chuẩn hết mực quan trọng đối với hạnh phúc gia đình. Một gia đình dù nghèo khó hay vật vã trong việc mưu sinh, nhưng cả hai luôn nghĩ đến nhau và cùng nhìn về một hướng, thì gia đình ấy sẽ đầy ắp chất liệu hạnh phúc, dù rằng hạnh phúc trong giản tiện, đơn sơ. Trên phương diện là một người phụ nữ, tiêu chuẩn này rất mực quan trọng. Theo kinh văn, người con gái ấy, dù giỏi giang, xinh xắn, hoặc gia sản vững chãi, quan hệ nhân thân tốt… nhưng không có sức mạnh giới hạnh(30) thì sẽ không đem đến hạnh phúc cho gia đình; nặng nề hơn, kinh văn còn mô tả, họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình(31).

Xem ra, trang nghiêm tiết hạnh là một phẩm chất rất mực quan trọng của người phụ nữ ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông32 phải hội đủ ít nhất năm tiêu chuẩn, và một trong năm tiêu chuẩn đó, phải là trang nghiêm giới hạnh. Không đi sâu vào phân tích về tiêu chuẩn giới hạnh, tiết hạnh, nhưng ở đây, điều cần thấy rằng, ngoài chồng ra, không được tà ý với bất cứ người nào khác là một bổn phận quan trọng nhằm đem đến hạnh phúc gia đình mà người phụ nữ cần phải thực hiện. Nói theo ngôn ngữ kinh văn là: trung thành với chồng(33). Trong bảy hạng vợ được nêu ra trong kinh Tăng chi, người phụ nữ không hoàn thiện giới hạnh thì được gọi vợ sát nhân(34).

Một bổn phận kế tiếp của người phụ nữ, đó là phải biết chăm sóc chồng, con và cùng chồng dạy dỗ con cái. Trong việc chăm sóc gia đình, thì việc chăm sóc chồng là một trách vụ cơ bản của một người phụ nữ. Kinh ghi: Săn sóc giúp đỡ chồng/ Như mẹ chăm sóc con/ Tài sản chồng cất chứa/ Biết hộ trì gìn giữ/ Hạng người vợ như vậy/ Ðược gọi vợ như mẹ(35). Trách vụ đỡ túi nâng khăn theo quan niệm phương Đông cũng là cách nói khác về việc chăm sóc cho chồng về ăn uống, sức khỏe, về phục trang… cũng như các việc vô danh khác. Trong điều kiện bình thường, điều dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa một người đàn ông có vợ và một kẻ độc thân chính là sự tinh tươm trong trang phục và ổn định về sức khỏe. Dấu hiệu khác biệt đó phần lớn do bởi người phụ nữ làm nên. Một bổn phận quan trọng của người phụ nữ, đó là người đàn bà phải mang thai… người đàn bà phải sanh con(36). Tuy kinh văn cũng khẳng định, trách vụ sinh con cũng là một trách vụ của người đàn ông, nhưng ở đây, đề cập điều này, Đức Phật muốn nói đến vai trò của người phụ nữ trong việc sinh, dưỡng con cái. Hoàn thiện trách vụ này, kinh Tăng chi xem như hoàn thành một trong hai tâm nguyện thiết thực(37) của một người phụ nữ khi sống trong đời.

Nếu như một người phụ nữ thực hiện trọn vẹn các bổn phận vừa nêu, thì ngọn lửa hạnh phúc luôn được thắp sáng trong gia đình của họ. Và ở đây, để thực hiện trọn vẹn những bổn phận đó, người phụ nữ phải luôn luôn giữ được cái tâm sơ khởi, trung trinh như lúc ban sơ vừa mới về nhà chồng(38); đồng thời, đối xử với chồng như lần gặp đầu tiên. Nếu giữ được tâm thế ấy, thì dù có điều gì xảy ra, nói như kinh đã trích dẫn, thì đời này rơi vào tầm tay của nàng.

3. Mô hình các mối quan hệ vợ chồng

Khi hai cá thể nam, nữ thương yêu nhau, phát nguyện cùng sống trọn đời với nhau, đến với nhau hợp lẽ, thì một gia đình hình thành. Tùy theo năng lực, điều kiện tri thức, sự giáo dục gia đình, môi trường và hoàn cảnh sống, điều kiện nghiệp lực của mỗi bên… mà tạo nên các mối quan hệ vợ chồng tương ứng. Căn cứ từ thực tế cuộc sống, có những mối quan hệ vợ chồng hạnh phúc, có những mối quan hệ vợ chồng vừa hạnh phúc vừa khổ đau đan xen, có những quan hệ tiềm ẩn những nguy cơ bất an, đau khổ. Bằng tuệ quán siêu việt, Đức Phật thấy rõ điều đó và đã nêu ra có bốn loại quan hệ vợ chồng cơ bản(39).

Quan hệ thứ nhất là những gia đình mà vợ và chồng đều khiếm khuyết về các học giới, khiếm khuyết về các chuẩn mực đạo đức cơ bản của con người. Nói cách khác, đó là những gia đình mà cả chồng và vợ đều không biết làm việc thiện, bị tham dục lôi kéo, không hoàn thiện được một phẩm chất đạo đức tốt đẹp nào. Nôm na có thể hiểu, đó là những gia đình mà dân gian thường ví von theo kiểu: trai tứ chiếng gặp gái giang hồ. Ngôn ngữ kinh văn cũng không hề nhẹ nhàng khi đề cập đến mối quan hệ gia đình này, đó là mẫu gia đình: Ðê tiện nam sống chung với đê tiện nữ(40).

Quan hệ gia đình thứ hai, đó là những gia đình mà người chồng rất mực hung dữ, phạm vào tất cả những chuẩn mực đạo đức vốn có của con người như sát sanh, trộm cắp… cho đến say sưa túy lúy. Trong khi đó, người vợ trong gia đình này là một người kham nhẫn, chịu đựng, sống thuần thiện, hiền lương như một vị Thánh và tuân giữ năm chuẩn mực cơ bản của một người cư sĩ. Phật gọi rằng, đây là mẫu gia đình: Đê tiện nam sống chung với Thiên nữ(41).

Mẫu quan hệ gia đình thứ ba, đó là khi người đàn ông thì siêng năng trong tất cả thiện pháp, nỗ lực trong tất cả mọi việc để làm ra của cải, lo cho gia đình, lo cho vợ con, sống thuần thiện, hiền lành… còn người vợ thì hết mực buông lung, phóng túng, tệ bạc. Ở đây, người vợ không những không giữ được tài sản của chồng, mà còn sử dụng tài sản ấy vào những trò cờ bạc đỏ đen, và thậm chí sử dụng tiền bạc do người chồng làm ra, mua sắm quà tặng cho người tình trẻ. Trong kinh Tăng Chi, hạng người vợ này được Phật ví như: vợ chủ nhân, vợ sát nhân và vợ ăn trộm(42). Ở đây, trong mối quan hệ vợ chồng mà người chồng luôn tỏa sáng các giá trị đạo đức, còn người vợ thì khiếm khuyết tất cả các mặt, Phật gọi mối quan hệ này là: Thiên nam sống chung với một đê tiện nữ(43).

Trong một gia đình, khi cả vợ và chồng đều hoàn thiện các vai trò và bổn phận của mình, theo những tiêu chuẩn vừa được khái quát ở trên, cả hai sống trong sự bảo hộ của các học giới, các chuẩn mực đạo đức làm người đúng nghĩa, biết cung kính Sa môn, Bà la môn, biết phóng xả, bố thí cũng như biết thực hiện các thiện hạnh cần phải làm của một người cư sĩ, Phật dạy rằng, đây là mẫu gia đình: Thiên nam sống chung với một Thiên nữ(44), và là mẫu gia đình lý tưởng, mà bất cứ một người cư sĩ nào cũng cần phải hướng về.

Đức Phật không chỉ thuần túy dừng lại trong việc mô tả và phân chia ra bốn loại quan hệ vợ chồng. Ở đây, phải thấy rằng, mỗi gia đình cần phải nhận thức đúng bối cảnh hiện tại của riêng mình, nỗ lực bằng mọi cách thức có thể, để vươn tới gia đình lý tưởng theo kiểu mẫu mà Đức Phật đã đưa ra.

Vợ chồng là do duyên nghiệp, và lẽ tất nhiên, duyên nghiệp có thể thay đổi nếu như có sự hợp tác nỗ lực thay đổi của cả vợ lẫn chồng. Cần phải thấy rằng, con đường đi đến hạnh phúc không chỉ có hoa hồng mà còn có cả chông gai. Nỗ lực nhặt gai và đi tới là điều mà mỗi con người có thể thực hiện để kiến tạo hạnh phúc cho gia đình mình.

4. Một vài suy nghĩ về đạo nghĩa vợ chồng trong thời đại ngày nay

Công tâm mà nhìn nhận, trong thời đại ngày nay, các mối quan hệ vợ chồng có nhiều điểm tiến bộ hơn, thông thoáng hơn, bình đẳng hơn, chặt chẽ hơn so với các mối quan hệ hôn nhân trong lịch sử. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, quan hệ hôn nhân ngày nay vẫn bộc lộ ra những khiếm khuyết, bất toàn và độ vững bền của quan hệ vợ chồng không cao. Với một khái quát chưa đầy đủ, theo người viết, sự khập khiễng bất toàn trong quan hệ hôn nhân hiện tại, bị ảnh hưởng và chi phối bởi một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, tính chủ động, toàn quyền của nam nữ trong quan hệ hôn nhân quá cao, cái tôi của mỗi cá nhân nam và nữ được trưởng dưỡng quá lớn. Ý thức nuôi dưỡng về tự ngã được tất cả mọi cấp giáo dục cũng như các mối quan hệ xã hội, các lãnh vực của đời sống luôn cổ vũ, đề cao. Tự ngã quá lớn nên dễ bị thương tổn. Hơn thế nữa, trong khi độ chín nhận thức về quan hệ hôn nhân chưa vững vàng, lại không cần tham khảo ý kiến của cha mẹ trong việc lựa chọn người phối ngẫu, là những lý do làm cho quan hệ hôn nhân mau chóng rạn nứt. Ở đây, khi cái tôi của mỗi người càng nhỏ lại thì tình yêu thương sẽ lớn mạnh và trưởng thành.

Thứ hai, các kênh truyền thông, các lãnh vực văn hóa nghệ thuật đương đại, đang cổ xúy cho một cái đẹp theo chuẩn mực “chân dài - não ngắn” mà quên chăm lo định hướng và phát triển các giá trị bền vững khác. Nói như kinh điển, nam nữ hiện tại chỉ lo trói  buộc  lẫn nhau. Kinh Tăng chi thống kê ra nam nữ trói buộc lẫn nhau bởi tám yếu tố: với sắc, với tiếng cười, với lời nói, với lời ca, với nước mắt, với áo quần, với vật tặng, với xúc chạm(45). Khi cả nam và nữ bị cuốn hút và chi phối bởi tám thứ trói buộc này, lẽ tất nhiên nhận thức sẽ bị hôn ám và yếu tố lý trí có mặt rất ít trong quan hệ yêu đương. Nếu như không có sự điều phối của các học giới, các chuẩn mực đạo đức căn bản của một con người thì sức mạnh của sắc dục thật sự ghê gớm. Phật dạy: Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông(46) và ngược lại. Một khi sắc dục lên ngôi và nhận thức đi xuống, đó là dấu hiệu báo trước sự khập khiễng, gập ghềnh trong quan hệ hôn nhân.

 

Thứ ba, với thời đại mà cái gì cũng nhanh thì đôi khi lý trí, sự thẩm xét không theo kịp quyết định của con người, kể cả việc chọn người phối ngẫu. Ngày nay, các phương tiện học thuật, các kênh truyền thông có thể cung cấp cho con người thông tin về mọi thứ, chỉ trừ… thông tin về nhau. Thông tin này mỗi cá nhân phải tự mình tìm hiểu. Trong môi trường sống của từng gia đình, mỗi cá nhân có thể hấp thụ những thói quen, giá trị sống, văn hóa vùng miền, quan hệ dòng tộc, xã hội... không giống nhau, nên sẽ hình thành những tính cách khác nhau. Chỉ biết người mình yêu mà không hiểu rõ hoàn cảnh sống cũng như các điều kiện khác, là thiệt thòi và bất hạnh lớn trong hôn nhân. Đôi khi, người viết có cảm giác các đôi nam nữ ngày nay tuy yêu nhau nhưng vẫn lười tìm hiểu về nhau. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho củi lửa hạnh phúc mau chóng lụi tàn, và tình yêu như khói, bay xa.

Thứ tư, bối cảnh sống của xã hội hiện tại dễ tạo cho con người một sự căng thẳng và lo âu thường trực. Sự căng thẳng và âu lo đó đến từ nhiều nguồn khác nhau, làm cho khả năng chịu đựng của con người thời nay kém hẳn. Nói rõ hơn, ở thời nay, khả năng kham nhẫn của con người rất kém. Một khi không có khả năng kham nhẫn, con người dễ bị mất kiểm soát bản thân. Khi bản thân đã mất kiểm soát, đố ai có thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra. Kém kham nhẫn, sống không tuân theo các chuẩn mực đạo đức của một người bình thường, là các nguyên nhân khiến cho quan hệ hôn nhân ngày nay xuống dốc, thậm chí còn gây ra những tội ác chưa từng xảy ra trong lịch sử quan hệ vợ chồng.

Thứ năm, yếu tố bao dung ngày nay càng trở nên một đức tính quý hiếm trong các mối quan hệ xã hội nói chung và vợ chồng nói riêng. Cần phải thấy, làm người thì ai cũng có sơ suất, lỗi lầm. Lỗi lầm đó có thể do cố ý hay vô tình, hoặc do những lý do không tiện nói ra. Biết tha thứ cho nhau là cả một nghệ thuật và là một sự nỗ lực cao độ của cả hai người. Buông bỏ, tha thứ cho nhau từ những lỗi lầm đơn giản để cùng sống hạnh phúc, cho đến buông bỏ những tư tưởng xấu ác, hận thù nếu như sau hàng loạt những nỗ lực hàn gắn, mà hai người vẫn không còn duyên để đến với nhau là điều hết sức cần thiết và quý báu.

Hạnh phúc hay không là do duyên. Đơn giản là vậy. Duyên đó nằm trong tay của mỗi người. Để có được một mối quan hệ hôn nhân hạnh phúc và bền vững, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của hai cá nhân trong việc thực hiện trọn vẹn vai trò và bổn phận của mình vừa được phân tích ở trên. Với quan hệ hôn nhân ngày nay, cần phải chiêm nghiệm sâu thêm những lý do khiến cho quan hệ hôn nhân mau chóng tan rã như vừa được trình bày. Được sống và sống hạnh phúc là lý tưởng vươn tới của bất cứ ai khi sống trong đời. Lý tưởng ấy được Phật chấp nhận và cầu mong mỗi chúng sanh luôn tìm được ý nghĩa sống đích thực của đời mình.

Zalo
Hotline
Liên hệ
0938 248 199