Loading ...

Để Người Lợi Dụng Mới Có Giá Trị

 

Bài giảng

 

Đến năm 1965, tôi tự thân sáng lập Phật Học Viện, lão sư Đường Nhất Huyền tuổi gần tám mươi, lúc khóa học rảnh đã nói với tôi: “Để người lợi dụng mới có giá trị”. Lời nói khác hẳn thế tục này, không ngờ đã nói hết lòng tôi bao nhiêu năm qua, tôi dẫn nguyên văn lời nói này để làm tri âm.

Mấy năm mới đến Đài Loan, tôi không có chỗ ở nhất định, nhân đó thường tùy hỉ giúp đỡ người khác. Có người thích học, tôi dạy giúp; có người làm báo, tôi biên tập giùm; có người giảng kinh, tôi kêu gọi thính chúng đến nghe; có người xây chùa, tôi hóa duyên phụ… Lại có mấy vị pháp sư lớn tuổi, phát biểu nói năng, sợ kể tội người khác, bảo tôi thay mặt, nếu thấy chính đáng thì tôi chẳng hề từ chối. Nhân đó một số đồng đạo cười tôi rằng tôi toàn bị người lợi dụng đi tiên phong, làm bia đỡ đạn.

Đến năm 1965, tôi tự thân sáng lập Phật Học Viện, lão sư Đường Nhất Huyền tuổi gần tám mươi, lúc khóa học rảnh đã nói với tôi: “Để người lợi dụng mới có giá trị”. Lời nói khác hẳn thế tục này, không ngờ đã nói hết lòng tôi bao nhiêu năm qua, tôi dẫn nguyên văn lời nói này để làm tri âm. Trong mấy chục năm sau này, tôi một mực sử dụng niềm tin này lòng dạ tự nguyện cho người là lành, để người “lợi dụng”. Vô hình trung, cuộc đời tôi đã khai thác vô vàn giá trị.

Nhớ khi mới đến Đài Loan, vì hoằng dương Phật pháp, nghĩa vụ của tôi là đảm nhiệm biên tập nguyệt san “Nhân Sinh”, chẳng những soạn văn, chọn bản hao tổn tinh thần mà còn vì sửa bài, hiệu đính suốt đêm, lại chính mình trả tiền giao thông, hoàn trả tiền bưu phiếu. Trước sau đến sáu năm, người phát hành ngược lại đòi tôi phải cảm tạ anh ta. Anh ta bảo rằng:

- Thầy lợi dụng tạp chí này để phát biểu văn chương mà nổi danh.

Trên thế giới này, ai “lợi dụng” ai, thật khó định đoạt.

Tình nguyện bị Lợi Dụng mà hóa độ thanh niên

Lúc mới truyền giáo ở Nghi Lan, tôi tổ chức nhiều hoạt động để hướng dẫn giới trẻ. Có mấy thanh niên không thích pháp hội cùng tu định kì và những buổi giảng khô khan, thường mượn cớ vắng mặt. Nhưng họ lại cao hứng hồ hởi tham gia ca hát những bài ca Phật giáo, những khoá trình học quốc văn. Người ngoài thường khuyên tôi không nên uổng phí tâm cơ, theo nói với tôi:

- Mấy thanh niên này không có căn lành, chỉ mê ca hát, hoặc định học quốc văn miễn phí, dự tính tương lai thi vào trường học mà thôi! Bọn họ không phải thực tình tín tưởng Phật giáo.

Kinh Kim Cang có nói: “Sở vị Phật pháp giả, tức phi Phật pháp, thị danh Phật pháp.” Nghĩa là “Cái được gọi là Phật pháp tức chẳng Phật pháp, chính là Phật pháp. Âm nhạc, ca hát chỉ cần vận dụng cho đúng, cũng không mất “giá trị” độ người. Chẳng phải Bồ Tát Mã Minh đã không “lợi dụng” một khúc “Lợi Tra Hòa La” do ngài tự biên, khiến cho năm trăm đệ tử vương tộc ở thành Hoa Thị đồng thời ngộ đạo xuất gia đó sao?

Năm 1956, tôi lên kế hoạch hoạt động tiếp dẫn Đại Chuyên Thanh Niên Học Phật, lại có người cương quyết phản đối, lí do:

Học trò Đại Chuyên chỉ làm lãng phí đạo tràng, tổn hại thiết bị, lại không nhất định. Bọn họ chỉ lợi dụng hoạt động này để qua cơn nhàn rỗi mà thôi! Cái lối không tính kỹ này tốt nhất không nên làm!

Tôi lúc ấy trong người không có một đồng, một chữ, lại bị số đông bài bác, nên mượn đất của người khác ở Đài Bắc, cử hành Đại Chuyên Thanh Niên Học Phật. Kết quả, giáo thọ Ngô Di, giáo thọ Tương Thượng Đức, cho đến tiên sinh Vương Thượng Nghĩa nổi danh vì bài “Hoàng Hôn Của Chú Vịt Trời” nhân lúc kết duyên với Phật giáo.

loi phat day (1)

Vui vẻ bị “lợi dụng” mà rộng độ huệ mạng

Từ trước đến nay, chùa Phổ Môn ở Đài Bắc, mỗi lần lập đoàn Triều Sơn núi Phật Quang, mỗi người đóng hai trăm dollars tính từ năm 1968, và hiện nay là ba trăm dollars, gồm luôn tiền xe, ở hai đêm, ăn năm bữa. Tính theo vật giá thì căn bản là không đủ chi dụng. Người sắp đặt việc và cả tín đồ cũng nhiều lần phản ứng với tôi xin điều chỉnh để quân bình chi thu, nhưng tôi đều không đáp ứng. Vì tôi biết rằng, với số tiền ấy có thể đủ cho những người miền Bắc có thời gian và điều kiện kinh tế eo hẹp không thể đến núi, “lợi dụng” một chút phương tiện này mà họ có thể gieo trồng nhân duyên được độ, há chẳng phải là công đức vô lượng hay sao?

Tôi xây dựng Phật Quang Sơn ở Cao Hùng. Không bao lâu, dưới núi có một nhà hàng khai trương lấy tên là Phật Quang. Lúc ấy có người bảo tôi rằng:

- Sư phụ! Sao tên Phật Quang Sơn của chúng ta lại để họ dùng làm bảng hiệu. Chúng ta nên ngăn cản họ lại, không thì người ngoài lại lầm Phật Quang Sơn kinh doanh.

Tôi cũng cảm thấy rất khó chịu, nhưng rồi nghĩ: Phật Quang có thể chiếu soi khắp mặt đất, há chẳng phải để biểu thị pháp lực vô biên của Phật giáo đó hay sao?

Không lâu Phật Quang Tam Thôn, Phật Quang Sa Thạch Trường, Phật Quang Lữ Hành Xã, Phật Quang Đại Lữ Xã, trạm xăng Phật Quang… đều lần lượt xuất hiện, thậm chí ở các nơi như Đài Bắc, Gia Nghĩa lại có cả khách sạn lấy tên Tinh Vân của tôi mà đặt nữa. Đồ chúng càng kêu rên hơn. Trong ngày khai hội, họ nhao nhao bày tỏ kháng nghị. Tôi bảo họ:

- Chư Bồ Tát còn đem cả thân thể, não tuỷ bố thí hết. Một cái tên mà tính làm chi? Tên của chúng ta cứ cho người “lợi dụng” một phen, cũng nói lên chính mình rất có “giá trị”.

Cho người “lợi dụng” hoài mà không mong cầu đền đáp

Nhiều người thấy Phật Quang Sơn bán nước ga, tiêu thụ vật kỉ niệm liền mắng nhiếc Phật Quang Sơn thương mại hoá. Kì thực, người ngoài chỉ thấy Phật Quang Sơn cần tiền, lại không thấy chỗ không cần tiền của Phật Quang Sơn.

Tất cả thu nhập của Phật Quang Sơn có thể nói không phải Phật thì không làm nổi. Không những dùng để hoằng dương Phật giáo, mà còn cần cung ứng cho việc ăn ở, sinh hoạt của ba ngàn tăng tục tứ chúng, cho đến tiêu phí về giáo dục, phúc lợi… càng cần dùng để lo các loại sự nghiệp Phật giáo khác nữa. Trong đó có khoảng 600 Tăng Ni sinh của Phật Học Viện “lợi dụng” thu nhập này để học Phật tu đạo; gần 100 nhi đồng của Dục Ấu Viện “lợi dụng” thu nhập này để nuôi lớn thân tâm; tịnh xá Phật Quang, nhà Nhân Ái có khoảng hai trăm người già không nơi nương tựa “lợi dụng” thu nhập này để an hưởng tuổi già. Lại có các đơn vị hành chánh khác “lợi dụng” thu nhập này để hoạt động tịnh hoá lòng người. Chúng tôi không có hằng sản, lại phải tự cấp, tự túc, ứng phó với sự chi tiêu quá lớn này, có thể nói là đem tiền tài của mười phương “lợi dụng” cao độ, ngỏ hầu phát huy “giá trị” của tín thí mười phương.

Xây dựng Phật Quang Sơn đến nay, đã trải qua không ít khó khăn. Thiên tai hồng thuỷ cố nhiên là đáng sợ, dân hung hãn dưới núi lại càng khó đối phó. Họ lấy máy cày vây núi, dùng gậy gộc đánh người xuất gia. Hạng này không cách gì nói lí lẽ với họ, khiến người khó đặt niềm tin, nhưng cái chính là khiến người lạ lùng. Gặp Tết, dân làng dắt già bế trẻ lên núi thăm hỏi. Lúc cứu tế mùa Đông, họ cũng dắt dìu gia quyến đến lãnh phần chẩn tế. Một số nhân viên làm việc thấy như thế bỏ qua chẳng được, thường kháng nghị với tôi:

- Hạng người này không có lương tâm, họ chỉ biết đến lấy bao đỏ (tiền lì xì), lấy quà tặng, lợi dụng xong rồi qua sông chặt cầu. Đã không nói được câu nào tử tế, lại còn đòi hỏi vô độ.

Tôi khuyên:

- Chúng ta không nên vơ đũa cả nắm. Trong số người ấy cũng có người tốt. Huống nữa là hành Bồ Tát đạo phải nên không nhớ cái xấu cũ, bố thí đừng mong đền đáp. Thấy họ hỉ hỉ hả hả về núi, kết duyên lành cùng Phật Bồ-tát, chúng ta nên chúc phúc cho họ mới đúng.

Chúng ta nên mang công đức pháp tài có “giá trị” phi phàm của chính mình, để cho người ta “lợi dụng” nhiều nhiều. Đó là điều tôi tự hứa hẹn với chính mình.

Dù cho bị “lợi dụng” cũng không kể vinh nhục

Có vài người trong giới xuất bản ở: Đài Loan, Hương Cảng, Mã Lai, Tây Á, thậm chí cả Đại lục, đã tự động in bài vở của tôi dù chưa có sự đồng ý của tôi. Phần trên để nguyên văn, phần dưới bỏ tên tôi ra. Có người còn quá hơn nữa, thêm luôn tên họ vào. Một vài người thì đổi đề bài, đổi văn tự cho kêu để hấp dẫn độc giả. Những đồ chúng theo sự nghiệp văn hoá của tôi thường vì thế bất bình, bực bội nói:

- Những người này ăn trộm tài sản trí huệ, rõ ràng đã mạo phạm đến giới tôn giáo thần thánh.

Tôi thì vì thấy người thời nay không biết tôn trọng người khác, không xem trọng quá khứ mà cảm khái vạn phần. Nhân vì lịch sử là quá trình diễn tiến của nhân loại, chúng ta mạt sát những ghi chép của quá khứ, thì kế hoạch tương lai sẽ thế nào? Nhưng tôi chỉ đứng về phương diện tốt mà nghĩ: Trước tác của tôi hay, được nhiều người yêu thích coi trọng, đại khái còn có chỗ chấp nhận được. Công dụng của văn tự Bát-nhã là ở chỗ nó không phải nơi xa nào mà không tới, thâm nhập vào lòng người. Chỉ mong mọi người có thể chọn lấy phương pháp chính xác, “lợi dụng” giá trị này để khiến Phật pháp lưu thông rộng rãi hơn.

Vì để xúc tiến tiêu thụ Tân Văn náo nhiệt, một vài tạp chí đem việc công kích huỷ báng Phật Quang Sơn và tên tuổi tôi làm đề tài nóng hổi. Tín đồ thấy ngôn luận đưa ra không chính xác, đã đi quá đà, họ thường lợi dụng các đường dây yêu cầu các báo này phải đăng lời xin lỗi.

Nhớ có lần cư sĩ Lưu Phương, một nhà danh tác, xem một bài có nội dung ngầm chửi bới tôi. Ông nộ khí xung thiên điện thoại từ Đài Loan tìm tôi, nói rằng ông muốn liên hệ nhiều người để vận động ủng hộ tôi. Tôi liền nói: “Không cần!” Vinh nhục cá nhân không đủ để nhớ, nhờ đại chúng quá yêu, cá nhân tôi xin ghi sâu tạc dạ.

Nhớ trong Tây Du Ký, mọi người đều muốn ăn một miếng thịt Đường Tăng, bất giác tôi tự khuây khoả, có bị những người này “lợi dụng” để được một bát canh, há chẳng phải là đã giúp người được lợi nhiều đó hay sao?

loi phat day (2)

* Dù bị “lợi dụng” cũng hỉ xả không tiếc

Trước đây, khi theo đuổi sự nghiệp văn hoá Phật giáo, tôi cũng cảm nhận được mùi cay đắng. Lúc ấy tôi có để ý kết giao với vài văn nhân. Hễ có ai cần gì tôi đều giúp đỡ cả. Có lúc lại làm người bạn không mời thỉnh, tự động duỗi tay ra giúp. Thậm chí tình hình kinh tế của mình cũng không khá lắm, tôi vẫn thành tâm hiệp trợ cho những văn hữu mà trước đây không có ý tốt với mình. Chẳng phải tôi giả nhân giả nghĩa, giả từ bi, cũng chẳng phải là người no béo. Tôi chỉ biết rằng tôi có được phần năng lực này, làm “lợi” cho chỗ cần của người khác, để họ “lợi dụng” xoay sở, thì tôi biết rằng hoàn cảnh của tôi còn tốt hơn của họ một chút, có tiếc gì mà không hỉ xả?

Một nhà xuất bản Phật giáo nho nhỏ, cũng xin giúp đỡ, tôi cũng tận lực gỡ rối cho, mong họ “lợi dụng” một chút trợ duyên này mà Phật giáo tăng thêm sự cống hiến đối với nhân tâm thế đạo.

Trong quá khứ, Học Viện Sa-di ở Phật Quang Sơn từng thâu hai mươi, ba mươi chú Sa-di. Chúng tôi không từ lao nhọc, săn sóc họ thành người. Rồi cha mẹ của một vài Sa-di lại làm ngang bắt họ về. Khá nhiều đồ chúng cằn nhằn, họ cho rằng: Các vị phụ huynh nọ chẳng qua là “lợi dụng” Phật Quang Sơn nuôi con dùm họ. Nhân đây yêu cầu tôi không nhận Sa-di lên núi nữa. Nhưng tôi cứ xét đơn thâu hết, vì tôi nghĩ: Dù cho Sa-di có bị cha mẹ mang đi hết, bọn họ từ nhỏ đã được thấm nhuần nước pháp, ít nhất khi khôn lớn cũng có thể biết nhân quả, rõ thiện ác. Dù lăn vào bụi trần cũng không làm điều sai trái. Lối giáo dục này, bất kể cá nhân hay xã hội, đều rất có “giá trị”.

Tạo phương tiện cho tín đồ, tôi thiết lập hội quán Triều Sơn, cung ứng cơm ăn chỗ ở. Có vài trưởng đoàn công ty du lịch, dặn mấy mươi bàn ăn, đến lúc lên đường chỉ đưa năm, mười đồng. Nhân viên thủ quỹ không để yên hành vi thất đức này, cứ kiếm họ trình bày, lại bị họ chê bai ngược lại:

- Chùa chiền không phải là tùy hỉ thêm nhang đèn sao?

Quán trưởng nhiều lần lỗ vốn không thể phụ giúp cho thường trụ nên đâm lo, tôi thường an ủi ông ta rằng:

- Không can chi! Mình ăn thiếu một chút để người khác “lợi dụng” chiếm tiện nghi, chính là có thể rộng kết duyên lành.

Sư điển tọa hành đường ở phân viện khác cũng thường đến than thở với tôi, mỗi lần pháp hội hoạt động, có nhiều người chỉ lo ăn uống. Họ đến chỗ trai đường kiếm chỗ ăn uống trước, khiến những người chân chính đến chùa nghe kinh, lễ Phật, bái sám, những tín đồ thuần thành không có chỗ ngồi, cơm rau không đủ. Họ hi vọng tôi có thể đưa ra một biện pháp để ngăn chặn. Tôi nói:

- Không những không cần ngăn chặn, mà các trụ trì về sau cần phải chuẩn bị nhiều bàn ghế, cơm rau. Bởi vì dựng lập chùa chiền là muốn Phổ Môn rộng mở, độ nhiều chúng sanh. Hà huống đây chứng tỏ cơm rau nhà chùa nấu ngon, do đó mới có người “lợi dụng”.

Xem nhẹ việc “lợi dụng” trong lòng có nhân quả

Tôi thường gặp những nhân sĩ xã hội chưa hề quen biết, hoặc chính khách đang tranh cử, chuyên đến thăm viếng. Họ yêu cầu cho họ được chụp hình chung với tôi. Đồ chúng ở bên cạnh cảnh báo tôi:

- Sư phụ! Sư phụ phải cẩn thận! Họ “lợi dụng” sư phụ để cho mọi người biết danh!

Một vài công ty mới thành lập muốn dựng bảng hiệu, hay xây nhà làm đất cũng thường quảng cáo không đúng sự thật trên Ti-vi rằng tôi đến cắt băng khánh thành. Vì vậy có tín đồ gọi điện thoại tỏ ý bất bình:

- Mấy người nầy “lợi dụng” tên tuổi sư phụ để câu khách. Người khác không biết nói sư phụ là “Hoà thượng doanh nghiệp”

Thậm chí tôi cũng từng nhận lời đến chủ trì khai mạc tháp Linh Cốt. Đệ tử đau lòng nói tôi quá khờ, đi xe đi thuyền từ Nam ra Bắc mệt nhọc, chưa hề thu được một đồng, lại không biết người ta “lợi dụng” mình để kiếm chác khoản tiền kếch sù.

Gần đây, có người vì muốn bán chạy các pháp khí, tượng Phật, mà rêu rao là hàng của họ đã được tôi gia trì. Thật là dối trá vô kể! Nhưng mà chẳng hề chi! Như quả kiểu này có thể khiến họ thu được cả danh lẫn lợi, trừ việc nghiệp lực nhân quả đáng tiếc của họ ra, cũng là một loại Bồ Tát đạo lợi tha của tôi.

Mười năm trước, tình huống kinh tế rất quẫn bách. Một hôm đệ tử phát ngân nắm một xấp hoá đơn đến thưa:

- Sư phụ! Gần đây chúng trong chùa bị đau răng rất nhiều. Thường trụ đã hết lòng cấp cho họ phương tiện, nhưng tiền chữa răng rất cao. Bọn họ nhận ân huệ của thường trụ, lại thường hỗn xược với người, không nói được lời tử tế. Theo con, chẳng nên xuất tiền cho họ vì rất uổng phí.

Nhưng tôi kiên trì cho họ đổi răng tốt. Vì tôi thà để cho họ nói lời không tử tế, chứ chẳng thể không cho họ một bộ răng tốt, để họ tiện đem “lợi dụng” lúc mở miệng thuyết pháp, có thể khiến tín đồ vui vẻ, được pháp bảo có “giá trị” vô thượng.

Thường đến thời kì tuyển cử, ứng cử viên luôn đến thăm viếng thưa gởi, đệ tử tôi thường nói:

- Mấy người này bình thường không đến hộ trì, đợi tuyển cử mới đến “lợi dụng” tăng đoàn của chúng ta có thế đông người.

Vì muốn làm tròn trách nhiệm quốc dân, mọi người ở Phật Quang Sơn bao xe đến địa điểm tuyển cử bỏ phiếu. Ngày thứ hai liền có hình ảnh, chữ nghĩa trên báo, đề tài là: “Phật Quang Sơn Hâm Mộ Chính Trị”. Đồ chúng đưa báo cho tôi xem, giận dữ nói:

- Mấy ký giả này lợi dụng chúng ta để viết báo!

Tôi nghĩ nếu quả việc này có nói lên sự thành công của hiến pháp chính phủ dân chủ và lực lượng của Tăng đoàn Phật giáo, há chẳng phải chứng minh “giá trị” của chúng ta đó hay sao?

Thường có người hỏi tôi vì sao mà biết giảng kinh như thế? Kì thực nói ra xấu hổ. Lúc mới bắt đầu hoằng pháp, tôi chẳng những không thể giảng được vừa lòng người, lên bục giảng lần nào cũng phát run, nhờ tín đồ thương giúp đỡ, đủ cho tôi thực tập không ngừng, mới được thành tựu chút ít như ngày nay. Bây giờ, tuy tôi đã là Hoà thượng thâm niên, nhưng vẫn không từ lao khổ, nhận lời mời đi khắp nơi khai thị. Đồ chúng trong lòng bất nhẫn, thường khuyên tôi nghỉ hoài. Bọn họ đâu biết tôi chính đang “lợi dụng” cơ hội này để báo đáp ân đức của đại chúng!

Người bị người “lợi dụng” thành tựu đại lợi ích

Phật Quang Sơn một mặt đề xướng phước huệ song tu, giải và hạnh cùng coi trọng. Do đó Phật Học Viện có đặt ra khoá trình làm việc ngoài trời, mượn đây để rèn luyện thân tâm học sinh. Một vài vị khách không biết sự tình, lên núi trông thấy, thường nói:

- Các học sinh này thật đáng thương quá! Bị chùa chiền lợi dụng làm công không!

Một hôm, một học sinh lanh lợi vui vẻ đáp:

- Chúng tôi đang “lợi dụng” công tác này để tu đó!

Đồng một sự tình lại có hai cách nói, chứng minh “giá trị” trong tâm mọi người không đồng. Tự nhiên khổ vui cũng có chỗ sai khác.

Tôi giảng kinh hoằng pháp trong xã hội đã lâu, thường tiếp xúc với nhân sĩ các giới, trong đó không thiếu những nhân vật chính trị đến xin chỉ dạy Phật pháp. Nhân đó khiến người liếc mắt chê bai là “Hoà thượng chính trị”. Ban đầu tôi cho là đúng, lâu dần trong lòng thư thái ra, ngẫm nghĩ: Đức Phật luôn luôn ra vào vương cung, thuyết pháp cho đại thần quý tộc, há cũng chẳng thành “Phật-đà chính trị” đó hay sao? Còn đại sư Huyền Trang vì hoàng đế mà bàn về quốc sự, cho đến những vị quốc sư nhiều đời phò tá triều chính thì lại nói sao đây?

Phật pháp Trung Quốc trải qua nhiều phen giáo nạn, mà có thể như phụng hoàng tắm lửa tái sanh, các bậc trên ủng hộ Phật giáo toàn tâm toàn lực, thật là công không thể mất. Ngoài ra, quốc gia xã hội cũng nhân sự phục hưng mạnh mẽ của Phật giáo mà “chính thân nhân hoà”. Lịch sử thực sự của những đời này cũng đều thấy rõ rằng “lợi dụng” không nhất định chỉ có đủ ý nghĩa theo mặt trái mà nó lại còn có thể tạo thành lợi ích cho mọi người.

Do đó, chúng ta chẳng cần so đo tính toán ai “lợi dụng” ai. Nhân vì tất cả sự tướng thế gian đều là hỗ tương duyên khởi, nguyện cho mọi người nhất tề được hưởng thành quả của hỗ tương “lợi dụng” để có thể phát huy “giá trị” tối cao của “lợi dụng” vậy.

Zalo
Hotline
Liên hệ
0938 248 199