Bài Giảng
Nếu như không thường kiểm tra tâm mình, đâu thể chiến thắng những tâm ma tham, sân, si?
Do đó, kiểm tra tâm mình, thực tại là công khoá phải làm hằng ngày của chúng ta.
Tiên sinh Trần Lí An, Tiền giám sát viện trưởng là một Phật giáo đồ thuần thành, tôi từng ủng hộ ông ta tranh cử Tổng thống. Ông thường giảng Phật pháp trên đài tiếng Hán, chủ đề "Kiểm tra tâm của mình". Câu này gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi, vì tôi suốt đời ở ngay trong "kiểm tra tâm chính mình" mà có được vô hạn trưởng thành.
Người bây giờ mắc bệnh phải đến bệnh viện "kiểm tra" thân thể, nhà cửa dột nước phải kiếm người chống dột đến "kiểm tra", xe hư phải đưa đến ga ra "kiểm tra", cơ khí không chạy phải mời thợ cơ giới đến "kiểm tra". Mục đích chủ yếu của "kiểm tra" là phát hiện bệnh ở chỗ nào, mới có thể cải tiến, đến như nội tâm của ta mắc bệnh đã nhiều, nếu không thường kiểm tra, sao có thể chiến thắng những tâm ma phiền não, tham, sân, ngu si, kiêu, mạn, tật đố…? Do đó, thường kiểm tra tâm mình, thực tại là công khoá phải làm hằng ngày của chúng ta.
Thường thường có một số học sinh đến tìm tôi, bày tỏ những phiền não của họ, tôi đều bảo:
— Trước hết con hãy kiểm tra tâm chính mình.
Đối phương lại nói:
— Người khác coi thường con, con kiểm tra tâm mình dùng làm gì?
Có đồ chúng cứ không cách nào ở yên, tôi cũng nói:
— Trước hết ông phải kiểm tra tâm của mình.
Họ trả lời:
— Thầy không bảo con hiểu rõ hoàn cảnh thế nào, biết người việc cho rõ ràng, lại bảo con kiểm tra tâm mình để làm gì?
Bọn họ không hiểu rằng cần phải kiểm tra tâm của mình, sẽ cho mình một cơ hội chấn chỉnh bản thân để có thể xử thế được trôi tròn. Nhưng vấn đề là thường thường người ta không chịu nhận lỗi, mà trên sự thật, lỗi lầm của người thì rất là nhiều, như ngu muội, thủ lợi, chấp trước, thành kiến, so đo… Chỉ vì không chịu kiểm tra tâm mình, do đó mới không cách nào an tâm. Đây thật giống như xe hơi, máy bay bản thân có vấn đề, mà anh không chịu kiểm tra vấn đề hiện có, không chịu sửa chữa chỗ hư, trên sự thật xe hơi "đề" không nổ, phi cơ cũng không cách gì bay lên trời được, anh lại làm gì được?
Gần đây nhất, có một đồ chúng thỉnh tôi chỉ dạy, vì anh ta ở phân viện đạo tràng khác làm việc không được, tâm lí rất khổ não, tôi bảo anh ta:
— Đây là vì con không "kiểm tra tâm của mình" do đó không hiểu rõ được vấn đề của mình, cũng không biết rõ mình sai chỗ nào, không biết rõ sự tận tình khuyên bảo của Thầy, đương nhiên sự hiểu rõ Phật pháp lại là việc bàn chẳng nổi.
Chúng ta nên tự hỏi mình một câu trước: "Chúng ta có hiểu rõ trong tâm mình có gì không?". Phật giáo nói "Trong tâm có Phật", nhưng Phật trong tâm anh có phát huy tác dụng không? Ngay lúc giặc trộm trong thân làm trái gây thù, anh có bắt được nó chăng? Ngay lúc nước trong hồ tâm bẩn thỉu quá thể, anh có biện pháp làm sạch nó không? Ngay lúc ma quân tham sân si cướp bóc pháp tài trong tâm mình, anh có vũ khí giới định huệ để chiến thắng chúng không? Ngay lúc khỉ vượn trong tâm nhảy nhót không dừng, anh có dây nhợ ngũ căn ngũ lực để trói chặt nó không? Sở dĩ các thiền sư trong quá khứ đã giảng "minh tâm kiến tánh" là rất có đạo lí, vì có tâm, tâm không sáng như gương bị phủ tro bụi, không thể nhìn rõ thực tướng; có Phật tánh, thấy không được Phật tánh, giống như vàng ròng chôn trong bùn cát, không cách gì làm chói mắt.
Năm 1953, tôi thành lập "Phật giáo ca vịnh" ở Nghi Lan, thường đem họ ra ngoài hoằng pháp, trong đó có một đội viên tốt nghiệp ở học viện Quốc Lập Âm Nhạc, thanh âm và khí chất của cô ta đều rất tốt. Có lần, cô ta không theo kế hoạch dự định thời hoằng pháp của tôi, đến giờ đổi một bài ca khác. Lúc đó tôi quá sức giận, lập tức hạ lệnh cho cô ta trở về. Nhưng đến tối lúc sắp đi ngủ, tôi "kiểm tra lại tâm mình", lại thầm thầm tự trách, vì cô ta tuy chẳng giữ sự ràng buộc của đoàn đội, cố nhiên phải bị trách cứ, nhưng tôi cũng không nên chấp trước cứng cỏi thái quá. Có nhiều sự tình, nếu như một hoà hai sai không nhiều, đây và kia có lúc có thể thay thế, không nhất định chấp một bỏ hai, phải thế này, không được thế kia; nếu không, không những làm cho người khác không có không gian cứu vãn, cũng khiến mình bị ép vào chỗ chết, thật là khổ làm sao!
Hơn ba mươi năm trước, tôi thiết lập tinh xá Phổ Môn ở Tân Bắc, có một tín đồ phát tâm, đem theo một bé gái học Ấu trĩ viện, đến nấu cơm giúp tôi. Một hôm, cô ta đi mua thức ăn, vừa ra khỏi cửa không lâu, con gái nhỏ của cô ta khóc "oa, oa" lên, có đến một hai phút. Mắt thấy một ngôi Phật đường yên tĩnh trang nghiêm bị tiếng khóc của nó phá vỡ, tôi cầm gậy đến làm bộ đánh nó, một mặt mắng: "Mày dám khóc hả!" Nó lập tức nín ngay, mở to mắt nhìn tôi, làm tôi ngược lại bất an. Tôi ngay đó "kiểm tra tâm mình", nghĩ đến nó tuổi còn nhỏ, thấy mẹ nó bỏ nó mà đi, khóc là vũ khí duy nhất để kêu đòi, mà tôi là người lớn lại dùng uy thế của cây gậy để áp bức nó, nói gì đi nữa cũng không đúng. Do đó về sau, ngay lúc tôi gặp tình huống tương tợ, bèn biết dùng tâm khoan dung mà nhìn sự khóc lóc ồn náo, dùng lời lẽ an ủi vỗ về thay thế trách mắng.
Hơn ba mươi năm trước, lúc mới xây dựng Phật Quang Sơn, thâu nhận nhiều Sa-di, họ mười phần nghịch ngợm phá phách, thầy giáo ai cũng đau đầu đau óc, tôi cũng từng nghĩ dùng phương thức nghiêm phạt, nhưng nghĩ lại chính mình lúc làm Sa-di, chẳng lẽ lại không nghịch ngợm phá phách sao? Chỉ là giáo dục tùng lâm lúc ấy lấy vô lí đối lại hữu lí, cứ dùng đánh mắng để áp chế tâm lười biếng chậm chạp của học Tăng, tuy nói những việc ấy có thể thành tựu đạo nghiệp của tôi, nhưng có bao nhiêu người được như thế? Từ xưa đến nay, tâm trẻ con rốt cuộc là ngây thơ hồn nhiên, mà hiện tại thời đại không đồng, tôi chẳng thể dùng tâm "con dâu nhiều năm chịu đựng thành bà gia" để đối đãi người khác. Sau khi "kiểm tra tâm mình" rồi , tôi chẳng những hiểu rõ tâm tình của Sa-di hơn các thầy khác, để tùy thuận dung thông. Ngay cho là học sinh đã lớn phạm lỗi, chỉ cần không phải lỗi lầm ác độc ngược với tình lí thái quá, tôi đều có thể dùng sự rộng lượng bao dung mà tiếp nhận, sau đó mới giáo dục bằng cách từ từ dạy dỗ khéo cho bọn họ.
Lúc chùa Tây Lai ở Mĩ sắp khánh thành, tôi từ Đài Loan xa xôi qua tham gia, thấy bọn đệ tử ào ào như ong hớn hở đi ăn "pizza‹, "han-bao" trong lòng rất bực bội, do đó đã nghiêm minh cấm chỉ trong một lần đồ chúng họp hội nghị, nhưng nghe nói lại có người lén mua ăn, tôi biết đây là tôi không đúng, vì ở nước Mĩ, làm sao có thể không ăn thức ăn của Mĩ? Về sau, có một lần tôi đến Mĩ hoằng pháp, trước khi lên đường, đồ chúng Nghi Lan cúng tôi một hộp sữa đậu hũ tự chế, tôi mang theo nó đến Mĩ, mỗi lần khi mời khách, bèn cầm ra làm món ăn dặm, kết quả vèo một cái hết trơn, so với mấy món ăn tinh tế ngon lành đặc biệt trên bàn lại được hoan nghinh hơn. Tôi bắt đầu kiểm tra tâm mình, nghĩ lại mình ở Nghi Lan mấy mươi năm, cũng chẳng hoan hỉ những món dưa cải, bánh mè, bánh cam, bánh mè nướng…, về sau mắc bệnh tiểu đường, biết rõ không thể ăn ngọt, và dưa muối quá mặn, nhưng có lúc lại cứ theo đó ăn. Hiện tại đồ chúng đến quốc gia Âu Mĩ, thích thú những món ăn kiểu Tây, cũng chẳng phải là việc đáng trách lắm, hà tất phải đòi hỏi nghiêm khắc như thế? Qua lần chuyển niệm này, sau chỉ cần không phải là tham ăn quá phận lắm, tôi đều lờ đi giả vờ không thấy. Về sau khi khai hội ở Mĩ, tôi lại đem "pizza", "han-bao" làm món điểm tâm chiêu đãi nhân sĩ dự hội, mọi người mừng rỡ nói tôi rất thông đạt sự lí nhân tình, kì thực đây đều là cảm tưởng do một phen "kiểm tra lại tâm mình", đem tâm so sánh tâm mà được.
Đối với một số người đem món ăn chay chế giống như món mặn, tôi cũng từng có lần rất khó chịu, cho rằng ăn chay là để nuôi lớn tâm từ bi, nếu như đem tâm lí ăn mặn để ăn chay, thì không rốt ráo. Do đó tôi mỗi lần trông thấy trên bàn có gà chay, vịt chay, cá chay, thịt chay, thịt quay chay, cá lóc chay… đều một mực không ăn. Nhưng có một hôm, tôi thấy tín đồ có vẻ ưa ăn không thôi, đột nhiên nghĩ ra: Người mới vào cửa Phật, trong nhất thời không cách gì sửa trừ tập khí cũ, do đó có nhu yếu này. Chỉ cần trong tâm của chính mình không có gà vịt, thịt cá là tốt rồi, hà tất phải chán ghét ư? Có một lần tôi tiếp bác sĩ Kim, người kiểm tra Bối Nhĩ Tưởng đến Đài Trung thăm Chủ tịch tỉnh Lâm Dương Cảng. Lâm chủ tịch đặc biệt bày một bàn tiệc đãi bác sĩ Kim. Tôi cũng có hai dãy thức ăn chay trên cùng bàn. Nếu như tôi cứ kiêng dè cự tuyệt, thì là bày tỏ trong lòng có "thịt" rồi, không phải đã phạm lỗi "năm mươi bước cười một trăm bước" sao? Sau khi "kiểm tra tâm mình", tôi phát giác: Cái mà vốn cho là thanh tịnh, kì thực là cái không cứu cánh; cái mà vốn cho là nhiễm ô, lại chính là phương tiện độ chúng. Chỗ nói "mạt sắt làm mắt bệnh, mạt vàng cũng làm mắt bệnh; mây đen che mặt trời, mây trắng cũng che mặt trời". Nhân duyên thuận nghịch đều là Phật đạo, sự lí thiện ác dùng nó thì được pháp, khả dĩ thành phương tiện độ sanh, tôi phải dùng ánh mắt siêu việt hơn để đối xử thế gian này.
Hơn hai mươi năm trước, Vương tiên sinh xưa nay công tác ở Công ty Điện lực ở Nghi Lan, sau khi đến Phật Quang Sơn, cảm thấy sinh hoạt tốt đẹp của đời sống ở chùa, do đó muốn cô gái thiên kim vừa tốt nghiệp đại học của ông cũng đến phục vụ Dục Ấu Viện Đại Từ trên núi. Vương tiểu thư lúc vừa mới đến, đột nhiên chuyển đổi một hoàn cảnh dậy sớm, ăn chay khác hẳn, hoàn toàn cảm thấy không quen. Chẳng bao lâu, bèn thưa với cha mẹ định đi làm ngoài xã hội. Cha mẹ cô ta lại khuyên răn hết lời: "Xã hội giống như địa ngục, ngàn vạn chớ nên đi!". Cô ta chạy tìm tôi nói rằng:
— Sư phụ! Dù cho xã hội là địa ngục, cha mẹ cũng nên để con đi xem!
Tôi đem tâm mình suy, nghĩ lúc mình còn nhỏ, cũng chẳng hướng về sinh hoạt tự do tự chủ đó sao? Do đó lập tức xin vợ chồng Vương tiên sinh giùm cô ta, nhờ cậy họ cho con gái làm việc trên xã hội. Về sau, tôi thấy cô Vương tiểu thư vui vẻ khi sống trong xã hội, thầm cảm nhận rằng một người chỉ có kiểm tra lại chính tâm mình, mới có thể hiểu rõ người khác.
Tôi từ nhỏ đã trải qua cuộc sống thanh bần, mới đến Đài Loan không có một đồng một chữ, nhưng tôi vẫn nhận là chính mình có thể chịu đói chịu khổ, chứ nhất định không để đám thanh niên theo mình ra ngoài giảng pháp cũng cùng chịu khổ. Mỗi lần mua một vật gì quá mắc, tôi định trả giá, rồi tự nghĩ: Người bán hàng cực khổ kiếm tiền, cũng vì nuôi sống gia đình, nếu như ai cũng định trả giá, bảo họ bớt một chút, thì sinh hoạt của họ nhờ vào đâu? Như thế sau khi kiểm tra tâm của mình, tôi chẳng những rất hoan hỉ đưa tiền, mà còn nếu như đối phương bán thức ăn chay, giày dép Tăng hoặc sách vở văn vật Phật giáo, tôi đều chủ động trả thêm tiền để họ lời nhiều một chút, hi vọng kiểu này có thể khích lệ nhiều người đến cung ứng vật phẩm Phật giáo, cũng vì Phật giáo đồ mà mang đến nhiều phương tiện hơn.
Lúc đầu tiên mời người khác đến giúp tôi làm việc thường thường vì làm không được hoàn mĩ, tự mình lại phải thu thập cho thoả đáng, lấy làm khổ não; nhưng về sau tôi nghĩ: Người ta không phải mới một lần bắt đầu mà có thể vai gánh vật một trăm cân, với lại mỗi người có chỗ sở trường không đồng, việc gì nếu như đòi hỏi hoàn mĩ thái quá, chỉ là luống tự làm khổ não mình, khổ não người. Tôi sao chẳng từ công tác đơn giản lúc đầu giao phó nhiệm vụ, một mặt tăng gia lòng tin của đối phương, một mặt quán sát năng lực của họ? Tôi giữ gìn lí niệm này, chẳng những huấn luyện được nhiều người làm công quả, mà lại có không ít người theo tôi đi vào hàng ngũ hoằng pháp lợi sanh. Đến nay tôi rất may mắn là chính mình có thể có tập quán kịp thời "kiểm tra nội tâm".
Nhiều năm về sau, chụp hình đối với tôi mà nói hoàn toàn là một việc khổ sai, vì bất kể nơi nào lúc nào, hàng tín đồ chỉ cần trông thấy tôi, là xúm xít chạy đến, yêu cầu chụp hình chung, người này chụp xong, lại có người khác đến lấp vào chỗ trống, thật chẳng dễ cùng họ chụp xong, lại phải cùng cha mẹ họ chụp chung, sau đó cùng vợ con họ chụp chung, tấm này qua tấm nọ, chụp hoài chụp huỷ. Lúc ban đầu tuy nghĩ đến nhu yếu của đồ chúng, tôi thầm nhẫn chẳng nói, nhưng trong lòng rất miễn cưỡng. Sau này, lúc tôi cùng với các giới lãnh tụ họp mặt. Thấy đồ chúng tranh nhau chụp hình với chúng tôi, lại từng người cùng với các danh nhân quốc tế này chụp chung, tôi chẳng khỏi sanh lòng hổ thẹn, nghĩ đến trên thế giới này chẳng phải chỉ có một mình cá nhân tôi nhẫn nại chụp hình, tôi lại tính làm gì? Sau khi kiểm tra tâm mình, tôi chẳng những vui vẻ cho phép người khác chụp hình chung, có lúc lại vì họ chọn vị trí, định khoảng cách, mỗi lần thấy mọi người có vẻ mặt vui tươi, tôi cũng đồng cảm mà hân hoan.
Quá khứ, mỗi năm đến ngày sinh nhật, tôi đều nổi giận một cách không hiểu nổi, xong việc thường thường buồn bực, vì sao mà lại như thế chứ? Rồi tôi đi xem xét sự kiện này nhận cho rõ ràng, mới biết là vì xem thấy việc đồ chúng vì tôi, vắt hết tim óc, nhọc thầy động chúng, khiến người thêm rất nhiều phiền phức, trong lòng rất băn khoăn. Tâm niệm vi tế này nếu không tử tế phản tỉnh, rất khó biết đến. Một hôm, tôi đột nhiên có chỗ ngộ: Tôi không thích người khác vì tôi thế này, vì tôi thế nọ, là cách nghĩ của riêng tôi. Nhưng đồ chúng rất thích vì tôi bận rộn, tôi hà tất cứ chấp vào nguyên tắc của mình, để người buồn khổ? "Tâm của mình" trải qua một phen "kiểm tra" rồi, bèn có thể xử lí viên dung. Như ngày sinh nhật thứ 60, tôi mời tín đồ sáu mươi tuổi đến núi, để mọi người đồng hưởng pháp lạc, tăng trưởng phước thọ, tự biết rất có ý nghĩa. Năm ngoái, khi mừng sinh nhật 72 tuổi, tôi chẳng những đem "Phật Quang Thái Căn Đàm" mới viết tặng cho những người đến chúc mừng, mà còn đem bao đỏ chuyển tặng Đại Học Phật Quang, thay mọi người tạo công đức ban thưởng học sinh, càng cảm thọ lạc thú sanh mạng kéo dài bất tận.
Tôi từ nhỏ rất chú trọng oai nghi của chính mình, cho đến hiện tại, đi đứng nằm ngồi vẫn có thể giữ gìn đầu ngẩng ngực ưỡn. Chỉ là tùy theo tuổi tác già cả, lại thêm mổ năm lần, bước đi có hơi chậm chạp, kì thực tôi lại có thể lên xuống thang lầu. Nhưng mỗi lần đến đâu hoằng pháp, tín đồ hễ trông thấy tôi, đều hoan hỉ đến nâng dắt, khiến tôi chẳng được tự tại, nhất là đại đa số chẳng biết chỗ quan trọng. Mỗi lần tôi xuống lầu, họ lại nâng cánh tay của tôi lên cao, khiến tôi phải ra sức thêm; mỗi lần tôi lên lầu, họ thiếu điều muốn khiêng tôi lên, khiến tôi càng thêm khổ sở. Chẳng qua nghĩ đến tín đồ xem tôi là trưởng bối, người trên, thậm chí có người còn gọi tôi là "ông già", để cho họ dìu nâng một chút, trong lòng họ rất vui vẻ mà tôi cũng chẳng mất mát gì, do đó chẳng kể nhục thể cảm giác thế nào, đối với lòng lành ý tốt của họ, tôi đều biểu lộ sự cảm tạ từ nội tâm. Theo lối "kiểm tra tâm mình" như thế, tôi thầm thầm thể hội trên thế gian không có sự tình nào vui vẻ hay không vui vẻ, có thể đem cái vui vẻ của người khác làm sự vui vẻ của chính mình, để mọi người đều có thể rất hoan hỉ, không phải là rất tốt sao?
Tôi thường một mặt viết thơ, sửa bài, một mặt tai nghe mời dạy, một mặt phê công văn, một mặt trả lời vấn đề, ngay cho khi nghỉ dạy hay đi trên đường, cũng đều là có người vây quanh hỏi cái này, cái nọ. Tóm lại, mỗi ngày chỉ cần tôi mở mắt ra, là phải thân tâm toàn phó vũ trang, sáu căn cùng dùng, dần dần năm tháng chẳng đợi người, đối với loại công tác trùng điệp này cảm thấy phiền phức chẳng an. Mỗi khi định đưa ra kiến nghị lại nghĩ đến mình quá khứ bất kể ngoại cảnh rối ren thế nào, cũng đều an nhiên tiếp nhận, vì sao tuổi càng lớn, lại tu dưỡng sai đi? Mỗi lần "kiểm tra tâm mình" rồi, đối với đồ chúng rất có thể bao dung. Nhân đây mệt nhọc thế nào cũng lại có thể phát sanh lực lượng vô bờ. Do đó có thể thấy tâm linh như nhà máy phát điện, vĩnh viễn có nguồn năng lượng bắn ra không cùng.
Tôi mỗi ngày không ngừng "kiểm tra tâm mình", từ đó phát hiện một nguyên tắc xử sự quý báu: "Bạn đúng tôi sai, bạn lớn tôi nhỏ, bạn vui tôi khổ, bạn có tôi không". Nhiều năm qua tôi đem bí quyết này cùng chúng chung sống, không ngờ lại được bác sĩ Triệu Ninh khắc bên phải ghế ngồi. Tháng 12 năm ngoái (1998) tôi chủ trì buổi giảng Phật học tại Quốc Phụ Kỉ Niệm Quán, gồm ba ngày. Mỗi ngày đều mời các nhân sĩ nổi tiếng trên xã hội đến cùng giảng "Phật Quang Thái Căn Đàm", có bác sĩ Triệu Ninh nổi tiếng "danh chuỷ" (miệng lưỡi sắc bén) cũng là một trong số khách quý nhận lời mời. Ông lấy đây làm đề tài, thuyết một đoạn kinh nghiệm của chính mình, khiến người cảm động:
Có một hôm, bác sĩ Triệu vừa diễn giảng xong, đi ra khỏi hội trường chuẩn bị lái xe về nhà, kết quả một chiếc xe taxi xông ra đụng vào xe ông, rõ ràng là tài xế này chính mình đã sai rồi, lại còn há miệng mắng lớn:
— Ông muốn chết hả?
Bác sĩ Triệu cũng trả lời:
— Anh mới muốn chết!
Tài xế nói liền:
— Ông ra đây!
Bác sĩ Triệu nói:
— Ra thì ra!
Đương lúc họ tức tối mở cửa xe định bước ra thì học sinh Cao Trung từ hội trường bước ra, thấy bộ dạng vung kiếm dương cung của họ liền há hốc miệng thất kinh. Bác sĩ Triệu lập tức "kiểm tra tâm của mình" tự nhủ thầm: "Vừa rồi mi vừa ở trên đài giảng phải làm sao xử lí quan hệ với người, tại sao hiện tại gặp sự tình này lại có bộ dạng khác?" Rồi lập tức đổi thái độ, cúi đầu nói với người tài xế:
— Xin lỗi! Tôi lầm rồi! Tôi sai rồi!
Người tài xế nghe xong, trước tiên ngạc nhiên, rồi đổi thái độ khiêm tốn, đưa hai tay ra nắm chặt ông, nói:
— Tôi chẳng tốt! Tôi mới chẳng tốt!
Một trường can qua sùng sục chực phát bèn chuyển thành hữu nghị kiểu ngọc ngà tơ lụa.
Trên lịch sử, vì có thể "kiểm tra tâm mình" mà trong một niệm chuyển hoá cảnh giới, thậm chí thành then chốt thắng bại là chuyện không thể kể xiết. Như Đại tướng Liêm Pha nước Triệu vì có thể "kiểm tra tâm của mình", chuyển tâm cống cao ngã mạn thành khiêm hư, nhún nhường hướng về Tể tướng Lạn Tương Như mang gai chịu tội, từ đây chẳng những mở hết hiềm hận cũ, mà nước Triệu do sự hoà hợp của hai người, đồng mưu việc nước mà thành cường quốc đương thời. Đại phu Trâu Kỵ nước Tề chẳng những có thể "kiểm tra tâm mình", không mê hoặc bởi lời xiểm mị dâm tà của thê thiếp và khách đến thăm, lại lấy đây để can ngăn Tề Tuyên Vương:
— Thần thực tại không đẹp bằng Từ Công, nhưng vợ thần yêu thần, tỳ thiếp thần sợ thần, khách của thần có việc nhờ thần, đều nói thần đẹp như Từ Công. Hiện tại, đất nước Tề rộng ngàn dặm, có 120 thành, phụ nữ trong cung cùng những người tả hữu thân cận ai cũng yêu vua, quan trong triều đình ai cũng sợ vua, người trong nước ai cũng mong cầu ở vua. Xem kiểu này, vua bị che mờ rất sâu rồi!
Tề Tuyên Vương nghe xong, cũng lập tức "kiểm tra tâm của mình", liền hạ lịnh:
— Hễ ai có thể can gián lỗi lầm của Hoàng đế, bất kể triều thần hay bình dân đều được trọng thưởng.
Sau đó, mỗi ngày trong cung vua đầy ắp người can gián. Sau mấy tháng, người can ngăn giảm dần. Sau một năm, lỗi lầm sửa chữa không còn sai nhiều, lại cũng chẳng có người nào đến can, mà nước Tề từ đây thành một bá chủ trong thời đại Xuân Thu Chiến Quốc.
Phật giáo rất coi trọng công phu tâm địa, kinh nói: "Vì trị tất cả tâm, nên nói tất cả pháp; nếu không tất cả tâm, đâu cần tất cả pháp?". Cổ Đức cũng nói: "Trăm ngàn pháp môn, chẳng lìa nguồn tâm". Giống như Tứ niệm trụ, Chỉ quán song tu… mà cửa Phật đã nói, đâu cũng đều muốn chúng ta tùy thời tùy chỗ "kiểm tra tâm của mình". Phương pháp gốc thẳng nguồn trong này, chẳng biết hoá độ bao nhiêu người, nhưng ví dụ nổi bật nhất như Châu Lợi Bàn Đặc ngu muội chóng quên, nhờ "phủi bụi quét rác" mà kiểm tra tâm mình, cuối cùng chứng ngộ quả A-la-hán, Ương-quật-ma-la giết người vô số muốn đuổi theo giết Phật, mà không cách nào theo kịp, ngay khi nghe Phật nói một câu "Ta đã dừng lại rồi, còn ngươi chẳng dừng". Ông ta lập tức "kiểm tra tâm mình", liền sụp lạy dưới chân Phật sám hối lỗi trước. Từ đó thế gian bớt được một ma vương giết người, trong cửa Phật lại nhiều thêm một bậc long tượng độ chúng. Có thể thấy "kiểm tra tâm mình" là trọng yếu biết bao nhiêu! Nhất là đang lúc vinh quang đến, nếu không thể "kiểm tra tâm mình" thì tường cao ngã mạn sẽ ngăn mất tầm nhìn của chính mình. Ngay lúc phiền não xảy đến, nếu như không thể "kiểm tra tâm mình", lửa bùng của sân giận sẽ đốt tiêu công đức của chính mình. Ngay lúc ngoại cảnh rối ren, nếu như không thể "kiểm tra tâm mình", nước lũ tham dục sẽ làm chìm đắm ý chí của chính mình. Ngay lúc được mất lo lắng, nếu như không thể "kiểm tra tâm mình", gió tà nghi kỵ sẽ thổi sụp lí trí của chính mình. Do đó, giờ giờ khắc khắc chúng ta đều phải cần cù tận tuỵ "kiểm tra tâm mình", mới có thể thấu rõ nhân duyên, cân nhắc khinh trọng, biết chỗ lấy bỏ, lợi mình lợi người.