Loading ...

Nhận Lỗi Cũng Cần Có Dũng Khí

 

Bài Giảng

Người, chẳng sợ phạm lỗi, mà sợ không có dũng khí nhận lỗi.

Giữa người và người, chỉ có mạnh dạn nhận lỗi, mới không lỡ mất cơ hội tốt, mới có thể nơi nơi an hoà vui vẻ.

Thời đại Xuân Thu Chiến Quốc, có một chàng trai có tánh cố chấp cỡi xe ngựa, đến phương Bắc, giữa đường gặp một ông bạn già lớn tuổi.

Người bạn hỏi chàng:

— Anh định đi đâu?

Chàng trai đáp:

— Tôi muốn đến nước Sở.

Người bạn nghi ngờ hỏi:

— Nước Sở ở phương Nam, anh đi hướng Bắc, là chạy ngược đường rồi!

Chàng trai biện bác:

— Không sao! Ngựa của tôi rất giỏi.

Người bạn không cách gì giải thích, lại hỏi:

— Cho dù là một con ngựa hay, ngày đi ngàn dặm, nhưng lầm phương hướng, lại là không có biện pháp nào đạt được mục đích!

Chàng trai chẳng cho là đúng, nói:

— Bác chẳng cần phí tâm, tôi có đủ lộ phí.

Người bạn nói:

— Tiền đi đường anh có nhiều đi nữa, nhưng phương hướng của đường rốt cuộc không đúng, anh làm sao đến nước Sở được?

Tuy người bạn mấy phen ngăn cản, mà chàng trai này vẫn kiên trì giữ ý mình, nói:

— Không hề gì! Tôi lại có một xa phu giỏi đánh ngựa.

Tóm lại, mặc tình người bạn phân tích giải thích thế nào, chàng trai vẫn y như cũ chấp cứng lí do của mình, "chết chẳng nhận lỗi"! Đây chính là người ngu si, người chấp trước!

Chúng ta không nên chỉ cho đây là một câu chuyện mà thôi. Kì thực, việc như thế cũng thường phát sinh trong xã hội hiện đại. Tôi từng trông thấy một người mẹ rất từ ái, nhân vì cô con gái sắp đi du lịch vùng núi lạnh lẽo, sợ cô ta rét cóng, nên bảo cô rằng:

— Cục cưng, chỗ con đi rất lạnh, chẳng nên chỉ lo chưng diện, cần mang nhiều quần áo nhen!

Cô gái đáp:

— Không cần đâu, lúc lạnh, tùy tiện đến đâu cũng đều có thể mua một cái áo lông.

Người mẹ không yên lòng, nói:

— Nơi hàn đới xa xôi, thông thường rất khó kiếm ra một cửa tiệm.

Cô gái lại nói:

— Không sao đâu! Con có thể kiếm một người để mượn một cái.

Người mẹ nói:

— Nơi càng lạnh, càng ít người ở, con mượn ở đâu?

Cô gái nói:

— Vạn nhất nếu quá lạnh không làm sao được thì con lập tức trở về, không được sao?

Chẳng kể người mẹ dặn dò cặn kẽ, ân cần khuyên nhủ thế nào, cô con gái cũng chẳng chịu dự bị nhiều y phục mang theo một chút.

"Chết chẳng nhận lỗi" là bệnh chung của một số người. Do đó, "nhận lỗi, cần có dũng khí". Tôi suốt đời đều đem câu nói này làm bài minh khắc bên phải ghế ngồi của mình.

Năm 1971, tôi định đem kiến trúc Hội Quán Triều Sơn liệt vào công trình thứ nhất của Phật Quang Sơn. Vì tôi cho rằng, Phật giáo hiện đại nên kết hợp làm một thể với đại chúng trong xã hội, có thể cung cấp chỗ ăn ở tốt, mới có thể làm tín đồ an tâm vui vẻ triều sơn lễ Phật, do đó kiến nghị thiết lập một Hội quán Triều Sơn lộng lẫy đẹp đẽ. Không ngờ, rất ít tín đồ ủng hộ kiến thiết này, mắt xem công trình không cách gì tiến hành. Một hôm, pháp sư Từ Huệ thưa với tôi:

— Tín đồ Đài Loan căn bản là không hiểu cái gì gọi là "Hội quán Triều Sơn". Họ chỉ mong có điện đường để lễ Phật, Sư phụ nên xây Đại Hùng Bảo Điện trước mới đúng.

Tôi vừa nghe, biết được lời cô ta rất hợp lí, nên lập tức sửa ngay. Nhân đây những kiến trúc sau này của Phật Quang Sơn một mạch hết sức thuận lợi. Nếu như tôi chỉ dựa vào lí tưởng, chẳng có "dũng khí nhận lỗi", lại làm sao có phương tiện sau này?

loi phat day (9)

Tôi đề xướng Tăng đoàn dân chủ, bắt chước lối ba phen yết-ma thời Phật. Mỗi lần mở hội tại Phật Quang Sơn, khó khỏi có một số ý kiến bất đồng giữa đồ chúng và tôi. Nhưng chỉ cần hợp lí, tôi lập tức tự mình sửa đổi, do đó tôi tự hứa là một người "tùng thiện như lưu"– theo điều thiện như nước xuôi dòng; rất sợ đồ chúng cho là Sư phụ cũng là một người "chết chẳng nhận lỗi". Càng lâu, người trước chẳng dám chống trái, chỉ biết vâng vâng dạ dạ, không có suy nghĩ sâu xa. Người sau thì noi theo bắt chước, chỉ biết chỉ trích người khác, chẳng thể kiểm thảo chính mình. Cứ kiểu này, Phật Quang Sơn làm sao có thể có sáng kiến đột phá, vì chúng tạo phước được?

Vì tôi có kinh nghiệm dạy học trò nhiều năm, hễ là người có thể tiếp nhận dạy dỗ -"mạnh dạn nhận lỗi"- thì phần nhiều tiến bộ rất mau. Còn người việc gì cũng cho mình có lí toàn bộ -"chết không nhận lỗi"- phần nhiều dẫm chân tại chỗ. Tôi thường khuyên một số đồ chúng không giỏi về học vấn, cần nên học tập kỹ thuật khác cho sớm, nhưng bọn họ lại giữ chặt ý kiến của mình, chẳng chịu nhận là sai, tốn bao nhiêu năm dùi mài học vấn, mới phát hiện lầm đường, sau hối chẳng kịp. Lại có một số đồ chúng làm việc không thể nhìn khắp đại cuộc, lười biếng chẳng hoà chúng, được răn nhắc nhiều lần, lại "chết chẳng nhận lỗi", rốt cuộc chẳng có một đơn vị nào muốn nhận họ làm việc. Lại có một số đại chúng sau khi bỏ đi, tự biết có lỗi, mà không có dũng khí nhận lỗi trước đại chúng, chỉ đành lưu lãng bên ngoài. Tuy tôi có lòng khoan dung tiếp nhận, nhưng cơ bản là pháp tắc của tông môn, cũng chỉ đành thở dài mà chịu.

Nhân đây, sự bình thuận an nguy của một đời người, thực ra quan hệ mật thiết thập phần ở chỗ mình có nhận lỗi hay không. Thậm chí từ xưa đến nay, bất kể một quốc gia hay một đoàn thể, người chủ sự cho đến phần tử tạo thành có thể nhận lỗi hay không, thường thường lại là then chốt của sự thành bại được mất. Như Hạng Vũ phải nuốt hận thất bại trong cuộc tranh hùng giữa Hán – Sở, chính là vì ông ta cứng cỏi độc đoán, do đó mọi người xa lánh, cuối cùng tự vẫn ở Ô Giang. Trước lúc lâm chung vẫn "chết không nhận lỗi", còn than thở: Trời quên ta rồi! Trời quên ta rồi!

Chu Du là danh tướng thời Tam Quốc, lòng dạ hẹp hòi, đố kỵ người hiền và người tài, làm mất cơ hội "liên Thục diệt Nguỵ", đã chẳng biết phản tỉnh, ngược lại còn cảm thán: "Đã sanh Du sao còn sanh Lượng", cuối cùng đành chết sớm khi tuổi trẻ tài cao.

Xem lại Lưu Bang và Tào Tháo, một người nguồn gốc quê quán không rõ ràng, một người bị đời chê là gian hùng, nhân vì có thể nghe theo lời can gián, sửa đổi lỗi lầm mà thành tựu nghiệp bá.

Tiên sinh Y Trọng Dung từng làm Bộ trưởng Kinh tế của Trung Hoa Dân Quốc, năm 1950 giữ chức Ủy viên Chủ nhiệm Hội Ngoại Mậu (mậu dịch với ngoại quốc) từng ban bố biện pháp Trung Dược Hạn Khu Thám Cấu (thăm dò việc mua hạn chế thuốc Bắc). Ba ngày sau, phát hiện tin tức thương mại phán đoán là sai lầm, lập tức thủ tiêu lệnh trước, và tập họp báo chí, công khai xin lỗi dân chúng. Lúc đó có ký giả hỏi ông:

— Ông như thế chẳng phải là sáng ra lệnh, tối cải chính ư?

Ông thẳng thắn đáp:

— Biết lầm mà không chịu sửa, làm sao được?

Do Y tiên sinh thật sự cầu đúng, có phong độ cải chính kịp thời, lúc ấy đã đưa kinh tế Đài Loan phát triển mau chóng, đến nay vẫn còn nhiều người nhớ mãi không thôi.

Gần đây nhất, báo chí đăng tải về tiên sinh Nghiêm Trường Thọ, kinh doanh Á Đô Phạn Điếm có thành tích rất lớn, mọi người trong ngoài đều nhất trí khen ngợi, được mời đến Viên Sơn Phạn Điếm ở Đài Bắc để làm Tổng kinh lí. Lúc ấy, ông rất phấn khởi, rất mong mình có một phen triển vọng. Nhưng không bao lâu ông bèn đệ đơn từ chức, vì nhân viên công tác không cách gì sửa đổi tập khí uy quyền thời đại, "chết chẳng nhận lỗi", phối hợp gian nan, Nghiêm tiên sinh mắt thấy không cách cải tiến, chỉ đành rũ áo ra đi.

Điều này đã nói rõ: Nhận lỗi cần có dũng khí. Có thể mạnh mẽ nhận lỗi mới không để mất cơ hội phát triển.

Nhớ ba mươi năm trước, nhân con đường từ Đài Bắc đến Phật Quang Sơn xa xôi, tín đồ phương Bắc nhao nhao thỉnh cầu lập đạo tràng tại Đài Bắc, để cho họ thường thường nghe kinh lễ Phật. Tôi cũng rất mong làm thoả mãn nhu cầu của mọi người, do đó nghe ngóng khắp nơi xem có đạo tràng nào thích hợp. Ban đầu chúng tôi xem khoảnh đất ở đường Trung Dân Quyền phía Đông đối diện với Thiên Cung. Qua sự bàn bạc với một vị từng trải, tuy giá tiền một bãi đất không bằng một phần ba giá ở chợ, nhưng Phật Quang Sơn lại gánh không nổi, kết quả để mất cơ hội này. Về sau, trên đất này mọc lên một toà nhà lớn, mỗi lần ngồi xe ngang qua, lòng tôi nổi lên sự tiếc nuối, hổ thẹn vô cùng với lòng thành khẩn của tín đồ, nhân đây tôi phát nguyện một ngày nào đó mình có đủ năng lực, nhất định phải xây dựng một đạo tràng hiện đại hoá rộng lớn tại Đài Bắc. Về sau, tín đồ nghe được việc này, nhận thấy tôi đã vì không thể cấp cho mọi người một chỗ tốt để lễ Phật mà nhận lỗi, buồn bực, liền kêu gọi mọi người, hiệp trợ bỏ tiền của ra. Năm 1994, cuối cùng mua được mấy tầng lầu trong một toà lầu lớn, tập hợp Đạo Tràng Đài Bắc, Tổng Hội Trung Hoa Phật Quang Hội, Phật Quang Duyên Mĩ Thuật Quán, Phật Quang Duyên Trích Thuỷ Phường vào một chỗ, thực hiện bốn lí tưởng về kiến trúc Phật giáo hiện đại mà tôi đã ôm ấp nhiều năm nay – truyền thống và hiện đại kết hợp, Tăng chúng và tín đồ cùng có, tu trì và huệ giải cùng trọng, Phật giáo và nghệ văn hợp nhất.

Cuối hạ năm 1992, gió bão ập đến, nước lũ cuồn cuộn dâng, mưa như trút nước thành thiên tai, làm cho phía Nam Đài Loan thành một biển nước mênh mông, đất đá núi Đông của Phật Quang Sơn cũng bị trôi mất không ít. Khi ấy tôi đang ở nước ngoài, nghe tin vội vã trở về, nhìn đến đất đá bị sụt lở và ruộng nương tan hoang xơ xác, thật là một trận thương cảm, nhưng tôi chẳng hề trách móc chức sự chủ sự không trông nom đầy đủ, phòng giữ chẳng nghiêm, ngược lại chiêu tập đại chúng, rồi bảo họ:

— Lần này xảy ra việc ngoài ý muốn là tại tôi lúc đầu không có dụng tâm làm bờ tường ngăn cho tốt, để thường trụ phải chịu tổn thất.

Đồ chúng nghe rồi  đều đồng thanh trả lời:

— Đây không phải là ngăn tường đất mà ổn cố được, mà là chúng con không tùy thời thanh lí đường nước.

loi phat day (10)

Thầy trò chúng tôi hỗ tương nhận lỗi, mọi người đồng tâm hiệp lực ra sức cứu chữa, thậm chí mời công binh thuộc Quân Đoàn Thứ 8 nghiên cứu công trình đại địa, lên núi giúp đỡ, rất mau chóng, Đông Sơn lại khôi phục sự an tĩnh tốt đẹp ngày xưa. Từ việc này, tôi thầm thầm cảm được: Một cá nhân cần chịu "nhận lỗi", mới có người vui lòng giúp đỡ. Nhân đây, chỗ nói rộng kết duyên lành, không hẳn hỏi han ấm lạnh, cởi áo bưng cơm là đủ, mà lại nên ở lúc nhận lỗi, có thể làm đến "nghiêm để trách mình, khoan để đãi người".

Trung Quốc thời xưa khi có tai hoạ, Hoàng đế bèn hạ chiếu kể tội mình để cầu vỗ về lòng người. Ngày nay tại thời đại dân chủ, ở Tây phương cũng có tình huống tương tợ.

Triết học gia Socrate lúc lâm chung, vẫn nhớ mãi không quên đã thiếu người hàng xóm một con gà mà không cách gì trả nổi. Mãi đến ngày nay, chẳng có ai phê bình Socrate là nghèo túng, ngược lại ca ngợi ông là một triết gia thản nhiên, chân thật ngay thẳng. Ba thế kỉ trước, vua A-dục thống nhất toàn cõi Ấn Độ đã hướng về một Sa-di nhỏ mà xưng tội. Tự xưa đến nay, không ai chê cười A-dục Vương là bậc trên ngôi Cửu ngũ mà xin lỗi, ngược lại đồng thanh khen ngợi mĩ đức mạnh dạn nhận lỗi của ông. Do đó, nhận lỗi không những chẳng làm mất thân phận của chính mình mà ngược lại có thể được tôn trọng nhiều hơn. Chỉ đáng tiếc rất nhiều người không rõ ràng được sự áo diệu của nó, mà làm việc ngang ngược, chẳng chịu cúi đầu, cuối cùng chính mình thành người thua cuộc lớn nhất.

Nhớ lại hơn ba mươi năm trước, lúc xây dựng lại chùa Lôi Âm lần đầu, nhiều lần thương lượng với nhà dân ở trước cửa để họ bán đất dời đi nơi khác, tiện cho việc chỉnh thể quy hoạch đạo tràng, tuy nhiều phen đề xuất phương án tốt đẹp, chủ nhà vẫn trước sau chấp chặt ý kiến của mình, không chịu lợi ích người khác. Về sau tín đồ nhân lúc tu chung, ra vào bất tiện cũng nhiều lần khuyến cáo nhỏ nhẹ, nhưng đối phương vẫn khăng khăng chẳng chịu nhượng bộ. Kết quả bị mọi người oán trách, thật là tổn mình mà bất lợi cho người.

Phật Quang Sơn khai sơn không bao lâu, mời một vị dân làng ở kế bên làm một ít việc vặt cho chúng tôi. Tôi từng cấp cho ông ta một ít tiền, nhờ ông ta mua một ít giống cây ăn quả trồng chung quanh tự viện, đâu dè ông ta mua xong, trồng trên đất của mình, rồi lại lén sửa đường nước, đem nước dùng của chùa tưới ruộng vườn của mình, còn khoe với người, đất của ông là đất hoàng kim. Trong lòng tôi không khỏi nghĩ đến: Cây trái của anh như vàng, đều do Phật Quang Sơn mà có, đâu có trồng cái gì được mà cho là tươi tốt?

Về sau, tôi vì muốn cất Đại Hùng Bảo Điện, bèn hỏi mua đất của ông ta. Đất của ông ta ngày lên giá ba lần. Tôi hỏi:

— Tên của anh là Chúc Thành, vì sao không có thói quen "trợ thành".

 Ông ta cứ nhơn nhơn đáp:

— Mỗi cá nhân đều muốn vì mình mà tính toán, tôi không trợ thành là hẳn rồi.

Kết quả vì ông ta làm việc gì cũng không trợ thành, nên mọi người đều ghét, nhất trí quyết nghị không dùng ông ta nữa. Về sau nghe nói cả người nhà cũng không đếm xỉa đến ông ta. Đây chính là hậu quả không có duyên với người.

Rất nhiều người hỏi tôi, vì sao đến đâu cũng được người hoan nghênh? Tôi tự biết chỗ sở trường lớn nhất của đời mình chính là có thể rõ lí, chịu nhận lỗi, nhân đây chẳng kể lớn nhỏ quý tiện đều thích ở với tôi.

Có một năm, tôi dẫn phái đoàn đến Ấn Độ bái Phật, giữa đường thỉnh mua một tượng Phật bằng đá, nhờ một đoàn viên là cư sĩ Thái Thương Châu mang về Đài Loan. Việc xong mới phát giác tượng đá này nặng một trăm ký, chẳng biết cư sĩ Thái Thương Châu làm sao xoay sở? Nghĩ đến mình lúc đó chỉ biết thỉnh mua, lại hoàn toàn chẳng xét đến người khác vận chuyển cay đắng, tự nhiên lòng thầm xin lỗi. Về sau tôi lúc nào cũng đến tiệm bánh mì Á Châu tại Thiện Hoá mua bánh mì, để bù đắp lỗi vô tâm của mình. Thái cư sĩ nhiều năm nay, một thầy một đạo, hộ trì Phật Quang Sơn, tuy không phải là vì tôi thường mua bánh mì cho ông ta, nhưng vì tôi có thể mạnh dạn nhận lỗi, tin rằng tình đạo giữa thầy trò gắn bó nên cũng có chỗ trợ giúp dài lâu. Đến nay tượng Phật này được đặt trong Bảo Tàng Quán Phật Quang Sơn cho mọi người chiêm ngưỡng. Nay Thái cư sĩ ở cõi Phật có biết thì sẽ tha thứ lỗi không biết của tôi.

Giác Mục theo học tại Mĩ từ nhỏ đến lớn, sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc ở Đức, theo tôi xuất gia về đến Đài Loan, một lòng định đến Tòng Lâm Học Viện Phật Quang Sơn nghiên cứu Phật học, gặp đúng lúc Phật Quang Sơn xây cất Đại Học Nam Hoa, cần sự chuyên môn của anh ta, do đó muốn anh ta trước tiên đến chỗ trù bị Đại học để trợ giúp. Chỉ nhìn thân thể ốm gầy của anh, bôn ba Nam Bắc không dừng, lúc thì đến Đại Học Nam Hoa ở rừng lớn Gia Nghĩa xem xét tiến độ thi công, lúc thì đến Đại Học Phật Quang ở suối đá Nghi Lâm để giải quyết trạng huống công trình. Tuy anh ta bày tỏ tâm tình nguyện như thế, nhưng tôi lại bất nhẫn, do đó mỗi lần thấy anh về núi, đều phải lưu tâm vồn vã đến anh một chút, cũng cho là một lối biểu lộ lòng đền bù, đâu ngờ lại khiến anh ta càng ra sức công tác, như nay anh ta đã là Phó chấp hành Trưởng hội quỹ Tịnh Độ Văn Giáo.

Xuất gia học đạo tròn sáu mươi năm đến nay, ứng sự tiếp vật, khiến tôi ngộ ra cái đạo lí làm người:

"Anh đúng tôi sai,

anh tốt tôi hư,

anh lớn tôi nhỏ,

anh vui tôi khổ".

Tôi chẳng những đem bốn câu kệ này treo ở bên miệng để giáo dục đồ chúng, mà lại thường dẫn dùng một câu chuyện để nói rõ đạo lí đó:

Ngày trước có một nhà họ Trương và một nhà họ Lí ở sát cạnh nhau. Nhà họ Trương thường gây gổ nhau không dứt, họ Lí lại hoà mục tương kính. Một hôm ông Trương hỏi ông Lí:

— Vì sao nhà ông chỗ nào cũng vui vẻ sung mãn, nhà tôi ngày ngày cứ y như bãi chiến trường?

Ông Lí trả lời:

— Bởi vì nhà ông đều là người tốt, còn nhà tôi đều là người xấu.

Ông Trương không hiểu, hỏi lại:

— Lời này là sao?

Ông Lí đáp:

— Ví dụ như ở nhà tôi, nếu có người làm vỡ tách trà, nhất định có người vội vàng nhận lỗi: Tôi thật tệ quá, đặt chén trà quá gần mép bàn, làm anh bị ướt cả người, tay anh có bị sao không? Người làm vỡ tách trà cũng vội vàng nói: Không sao! Không sao! Tại tôi vô ý, xin lỗi, đã khiến anh hết hồn!

Nhưng, việc này nếu xảy ra ở nhà ông thì người làm vỡ sẽ nói:

— Ai đây thật chẳng có đầu óc, đem tách trà để gần mép bàn thế này, hại ta toàn thân ướt hết?

Một người khác lập tức cãi lại:

— Chính tôi để tách trà, thì sao? Tự anh không cẩn thận, lại muốn đổ cho người khác!

Cứ thế anh một lời, tôi một tiếng, mọi người đều chẳng nhận lỗi, đương nhiên là không có an ninh.

Em trai pháp sư Y Không là cư sĩ Trương Tấn Huy ở Phổ môn Trung học Giáo thư có nuôi hai đứa con thiên tư thông huệ, hoạt bát đáng yêu. Một hôm, chính lúc ông vì sự dạy dỗ con mà mệt óc, nghe tôi kể lại chuyện này, thấy rất có đạo lí, lập tức về nhà ứng dụng. Trên bàn ăn, đứa con than thở cơm rau ăn chẳng ngon. Trương cư sĩ lập tức áy náy hiện lên mặt nói:

— Đều tại cha vô dụng, cha không kiếm được nhiều tiền, không thể cung cấp cho các con đời sống thật tốt, cha xin lỗi các con!

Mấy đứa con nghe cha nhận lỗi, lại cảm động, lại thẹn thùng, cả hai đều nhất trí nói:

— Cha rất vĩ đại, tụi con muốn học cho giỏi, về sau sẽ dâng món ngon nhất để trả hiếu cho cha.

Có thể thấy, nhận lỗi không phân lớn nhỏ, chỉ ở chỗ chúng ta có đủ dũng khí hay không. Người có thể nhận lỗi chân thành, mới có thể ở khắp nơi hoà hợp an ổn, một bề hoan hỉ.

Phật giáo mười phần chú trọng tu trì "nhận lỗi", ngoài các pháp môn Sám hối ra, đạo tràng tòng lâm tuyển chọn trụ trì, cũng lấy sự cúng dường đại chúng, có mĩ đức "dám mạnh dạn nhận lỗi" hay không để làm một trong những tiêu chuẩn. Vì người mạnh dạn nhận lỗi mới có thể đem thân giáo ra lãnh chúng, dạy chúng, làm chúng phục, hoà hợp chúng.

Như thiền sư Pháp Ngộ đời Tấn là Trụ trì chùa Trường Sa ở Giang Lăng. Một hôm, nhận gậy phạt của Sư phụ là đại sư Đạo An gởi đến, lập tức lãnh ngộ: Đây là Sư phụ răn nhắc lỗi Sư trước đó không lâu đã xử phạt sơ sài một chú Sa-di uống rượu mà không dời chỗ (thiên đơn). Sư lập tức đánh chuông họp chúng, thành kính thắp hương trước gậy trang có hình phạt, biểu thị kính lãnh lời dạy của Thầy, rồi nằm xuống đất, sai Duy-na lấy gậy đó đánh Sư ba cái, và khóc lóc tự trách. Sau đó, hai chúng Tăng tục càng thêm tinh tấn đạo nghiệp. Trong ngữ lục thiền môn lại đầy dẫy công án giữa thầy trò dùng hét mắng để luận đạo. Chẳng những học trò lúc lỗi lầm có đủ mạnh dạn để nhận tội, mà ngay nếu ông thầy chẳng đúng cũng hào hiệp cúi đầu xin lỗi. Chính vì vậy, thiền tông có thể đem đạo phong hoạt bát linh lợi mà lưu truyền lâu xa, những câu "Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm", "Buông dao đồ tể, ngay đó thành Phật". Người ta, chẳng sợ phạm lỗi, chỉ sợ không có "dũng khí để nhận lỗi". Trong thời đại khai phóng ngày nay, thường thấy sách vở ngành nghề và các nhân sĩ nổi tiếng thường khuyến khích mọi người "Tiến lên, cần có dũng khí", "Biểu đạt, cần có dũng khí". Tôi thường nghĩ có nên đề xướng tinh thần "Nhận lỗi, cần có dũng khí" hay không? Vì chỉ có giữa cha mẹ với con cái, giữa thầy trò, giữa chủ tớ, giữa quan và thuộc hạ đều có thể có đủ mĩ đức "mạnh dạn nhận lỗi", đất nước chúng ta mới có thể tiến bộ phát triển thêm, xã hội chúng ta mới thuận hoà an ổn.

Zalo
Hotline
Liên hệ
0938 248 199