Loading ...

Đức Phật Và Chúa Jesus Đều Nói Về Luân Hồi

 

Hỏi: Thưa thầy, Đạo Phật nói nhiều về Luân hồi. Trong khi, có một số tôn giáo bạn không đặt nặng vấn đề này. Nếu không tin có luân hồi, thì những việc thiện mà họ làm, có thể bị giảm giá trị ở đời này. Vì họ nghĩ rằng, khi chết rồi thì linh hồn sẽ được lên thiên đàng hay cõi trời nào đó thụ hưởng, chứ không còn luân hồi xuống để chịu luật nhân quả chi phối. Như vậy có đúng không?

Sư Phụ: Người biết được đúng (gọi là Chánh kiến) vẫn là may mắn hơn người không biết đúng. Chúng ta may mắn gặp được Phật Pháp, nên biết được một sự thật bị che dấu, đó là luân hồi tái sinh. Chúng ta biết, mình có mặt ở kiếp này chỉ là một giai đoạn. Thật ra, chúng ta đã có mặt từ những đời sống trước và sau kiếp này, chúng ta sẽ còn có mặt ở nhiều đời sống sau nữa. Chúng ta tin được điều đó, chấp nhận được điều đó, nó là một may mắn do cái duyên đối với Phật Pháp. Còn những người mà họ không may mắn biết được điều này, cho nên đạo đức của họ sẽ khó hoàn thiện được.Vì vậy, họ không nỗ lực làm các việc lành, không phát tâm vượt khỏi sự luân hồi này. Do đó họ là những người đáng thương.

 

Thật ra, tất cả những lý thuyết của các tôn giáo khác, dù ít dù nhiều cũng có phảng phất tư tưởng của luân hồi. Ví dụ đạo Tiên, họ nói: "Mỗi con người là một điểm linh quang của Thượng đế, xuống trần bị lạc". Như vậy, rõ ràng trước đời sống này, nó đã có một đời sống trước đó. Rồi nói: "Sau khi chết, người ta hoặc xuống địa ngục hoặc lên thiên đường". Thì nó cũng là một đời sống nào đó tồn tại sau kiếp sống này. Vậy nó vẫn mang cái gì đó phảng phất của luân hồi, chứ không phải là hoàn toàn chấm dứt. Còn người nói: "Ngẫu nhiên mình sinh ra và khi chết là hết", người này hoàn toàn không biết luân hồi.

Đồng thời với Đức Phật, ở Hy Lạp có nhà toán học Pythagore cũng nói nhiều về luân hồi. Cho nên tư tưởng luân hồi cũng được nói đến rất sớm, chứ không phải chỉ ở Ấn Độ hoặc sau khi Đức Phật xuất hiện mới có nói. Ngay cả Chúa Jesu cũng vậy, Chúa cũng từng nói về luân hồi. Nhưng về sau trong hội đồng Constantineuf mới phủ nhận tư tưởng luân hồi, đã bị những nhà thần học của Thiên Chúa giải thích sự sinh trở lại, tức là được rửa tội và từ đó những kinh sách nào có nói đến luân hồi đều bị xóa hết. Cho nên, tư tưởng Thiên Chúa ngày hôm nay đã bị biến thái, không còn giống như buổi đầu. Như trong đoạn kinh còn sót lại chúng ta thấy là không biết trước đó Chúa đã nói gì về luân hồi tái sinh, mà có người đàn ông tên là Nicodemn đến hỏi Chúa: “Thưa Ngài, không lẽ người ta già chết đi, rồi lại chui vào bụng mẹ, để sinh ra lẫn nữa sao?". Chúa nói: "Nếu các ngươi không sinh lại, thì các ngươi không biết được nước Trời là gì?"

Từ câu hỏi đó chúng ta biết rằng trước đó Chúa đã giảng về luân hồi rất nhiều, nên ông Nicodemn mới có thắc mắc. Nhưng tiếc rằng những lời giảng của Chúa về luân hồi đã bị người đời sau gạch bỏ sạch hết. Bây giờ Vatican, ai nói đến luân hồi thì bị cho là tà đạo. Đây là điều đáng tiếc, chính họ đã đi ngược lại tư tưởng của Chúa Jesu. Khi mà ông Nicodemn hỏi câu đó, Chúa trả lời: "Quả thật! Quả thật! Ta nói các ông phải sinh lại. Cái gì của xác thịt thuộc về xác thịt. Cái gì của Thiên đường là của Thiên đường. Ta nói những điều ta chứng. Ta nói những điều ta biết. Nhưng các ngươi vẫn không tin lời ta. Gió từ đâu thổi đến, các ngươi không biết gió từ đâu thối đến và đi về đâu? Còn ta, ta nói những điều ta biết, ta dạy những điều ta chứng. Ví bằng ta nói những điều thuộc về đất (cụ thể), các ngươi còn không tin được. Huống hồ ta nói những điều thuộc về Trời( trừu tượng) thì các ngươi làm sao tin được?

phat hoc

Dựa vào đoạn kinh Phúc Âm còn sót lại, chúng ta thấy những từ dùng trong đó, rất gần gũi với thuyết luân hồi của đạo Phật, nhưng người đời sau này đã bóp méo và tránh né. Như vậy thuyết luân hồi không phải là của riêng Đức Phật mà tất cả những vị Thánh nào có đắc đạo đều nhìn thấy luân hồi là điều có thật. Hôm nay chúng ta là Phật tử nên may mắn tin và biết được điều này. Do đó chúng ta thấy luật nhân quả chi phối con người từ đời sống này sang đời sống khác. Bởi vậy mọi điều may rủi, hạnh phúc hay đau khổ của mình đều do chính mình đã gây tạo, đều do chính mình từ mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý nghĩ đều tạo thành một kết quả nào đó. Vì lý do đó chúng ta luôn nỗ lực bằng chính bản thân của mình chứ không cầu xin. Chúng ta không quỳ trước một vị Thần nào đó hay quỳ trước Phật cầu được hạnh phúc đến với mình mà trước hết chúng ta đem lại niềm vui, đem lại hạnh phúc cho người khác.

Ở điểm này, chúng ta thấy một người hiểu được luân hồi, hiểu được nhân quả thì là người rất tích cực, rất siêng năng để làm lợi ích cho người khác. Chứ không như một số người hiểu lầm, cho rằng một người hiểu Nhân quả, cho rằng cái họa phúc, may rủi... nó đã được quy định, nên đời này chỉ còn an phận và chờ đợi. Không phải vậy! Chính người tin luân hồi, tin nhân quả phải cố gắng nhiều hơn cả. Đây cũng là điều may mắn cho chúng ta khi được biết một sự thật như thế này

Zalo
Hotline
Liên hệ
0938 248 199