Cho là còn, có mất đâu,
Gieo nhân hái quả cũng thâu về mình.
Tất cả của cải vật chất ở thế gian này, con người sẽ bỏ lại hết khi nhắm mắt tắt hơi, chỉ đem theo thiện nghiệp (phước đức) và ác nghiệp (tội lỗi). Thấy như vậy, quí Phật tử phải có cái nhìn sáng suốt để chọn cho mình cuộc sống hiện tại và tương lai như thế nào, tốt hay xấu được quyết định từ những việc làm hàng ngày của chúng ta ngay bây giờ. Việc thường xuyên gieo trồng nghiệp tốt, không làm điều ác chuẩn bị cho hiện đời và vị lai thọ hưởng quả báo an lành hạnh phúc là rất cần thiết, chớ nên xem nhẹ.
Người đủ ăn, đủ mặc,
Là người có phước đức,
Hằng ngày ít bực bội,
Nhờ vậy mà dễ tu.
Người có sự sống ổn định, nhà cửa, tiền của ăn ngon mặc ấm, may mắn, phương tiện vật chất đầy đủ và sống trong bầu không khí gia đình ấm êm là người có phước đức. Trái lại, người luôn phải sống trong cảnh thiếu thốn cơm ăn, áo mặc, tiền bạc, tiện nghi sinh hoạt và trong gia đình lại thường hay gây gỗ, chửi mắng nhau, ai cũng cảm thấy nặng nề, chán chường, mệt mỏi vì phải sống thì đó gọi là người kém phước.
Trong dân gian, người có phước thường được nói là người được thời, hay người được Trời thương. Cái phước hay còn gọi là cái thời. Thời vận tốt chính là kết quả từ cách sống tốt trước của người này nên đã chiêu cảm những yếu tố thuận lợi cho công việc làm của anh ta nhanh chóng thành công, mà chúng ta thường nói là “ làm chơi ăn thiệt”, và thêm nữa là các mối quan hệ trong gia đình được thuận hòa, êm ấm, sự sống ổn định. Một người không có phước thì không thể hưởng quả như vậy.
Nếu chúng ta không làm phước mà muốn có phước thì không thể được. “Làm phước thì có phước, hưởng phước sẽ hết phước”. Xác định điều này, mỗi Phật tử phải nên có gắng tập gieo bòn phước đức hành ngày, vì sống có phước đức thì cuộc sống mới có ý nghĩa.
Sau đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho quí vị cách để gieo bòn phước đức.
Hãy xa rời nghiệp ác,
Hãy phát triển hạnh lành,
Trở thành con người tốt,
Trí đức đều vẹn toàn.
Việc thiện dù nhỏ cũng phải cố gắng làm. Như giọt nước nhỏ rỏ vào lu, lâu ngày sẽ làm đầy lu nước. Những việc có lợi cho mình và cho người thì nên làm, còn những việc có lợi cho mình mà hại người thì không nên làm.
Việc ác cũng thế, dù nhỏ chúng ta cũng không nên làm. Ví như lỗ thủng nhỏ trên thuyển, nếu không bít kín lại thì đến một lúc nào đó sẽ nhận chìm cả con thuyền lớn.
Như vậy, chúng ta phải gieo bòn phước đức như thế nào? Phật đã dạy pháp Bố thí là hạnh thù thắng cho việc này, người thực hiện pháp này sẽ chuyển tham, sân, si nơi thân tâm của mình thành thiện nghiệp đầy phước báo an lạc và hạnh phúc.
Phật dạy pháp bố thí,
Giúp ta gieo bòn phước,
Giúp ta bỏ tham sân,
Để an vui giải thoát.
Bố thí là gì?
Bố thí là cùng khắp,
Thí là dâng tặng cúng,
Dâng, tặng, cúng cùng khắp,
Gọi là hạnh bố thí.
Con người do có lòng tham không đáy nên tạo gây tạo nhiều đau khổ cho nhau nên cứ mãi sống trong tâm trạng bất an, dễ tỵ hiềm, hay thù hận. Vì vậy phải tập bố thí, chính là thể hiện sự cảm thông chia sẻ với cái khó của người chung quanh, bớt lòng vị kỷ tăng lòng thương người, làm lợi ích cho con người, từ đó tánh tham lam nhẹ dần, những ích kỷ, tật đố nhỏ nhen ít có cơ hội tăng trường v.v…
Biết rõ gốc nghèo khổ,
Từ keo kiệt mà ra,
Muốn không sầu, nghèo oán,
Hạnh bố thí cần chuyên.
Một vị A La Hán trên đường đi gặp một bà già nghèo. Bà đã than thở rằng:
Bạch Đại Đức ! Con đã già rồi mà cơm không đủ no, áo không đủ mặc, sự sống nghèo khổ quá.
Vị A La Hán nói rằng:
Cái khổ này có nguyên nhân, bây giờ bà hãy bán cái nghèo đi thì sẽ hết nghèo khổ.
Bà già ngạc nhiên hỏi:
Cái nghèo khổ làm sao bán được? Nếu có người mua con sẽ bán.
Tôi đồng ý mua. Bà hãy bán cái nghèo bằng cách bố thí, cúng dường.
Con nghèo quá làm sao có tiền để bố thí, cúng dường.
Không phải giàu có mới bố thí được. Bố thí vì lòng thương đối với mọi người, bố thí để diệt trừ cấu uế của tâm bỏn xẻn. Bằng sự dụng tâm chân chính thì quả lành sẽ đến với bà.
Vậy Ngài hãy dạy con cách bố thí.
Bà hãy bước ra bờ sông múc một chén nước đem về đây, bằng sự thành tâm cúng dường, bà sẽ bán được cái nghèo.
Nghe lời chỉ dạy, bà già nghèo đi lấy nước đem về cúng dường cho vị La Hán với tấm lòng hoan hỷ, chân thật và thành kính.
Sau khi cúng dường xong trở về nhà. Mấy hôm sau bà qua đời.
Do công đức cúng dường y như pháp chiêu cảm quả báo tốt, bà được sanh về cõi trời. Ở cõi trời có thần thông, bà dùng thiên nhãn nhìn lại xác chết của mình thấy quá tồi tàn. Còn hiện tại mang thân tiên nữ trẻ đẹp an vui, cảm nhận công đức cúng dường bà tiếp tục lập hạnh bố thí để phước đức tăng trưởng.
Đây là câu chuyện đơn giản mà sâu sắc. Con người khi sinh ra có sự bất đồng về giàu nghèo sang hèn, đẹp xấu… Đây là do chúng ta đời trước làm lành hay làm ác mà thọ quả tốt xấu khác nhau. Vì vậy, người biết được lẽ này sẽ không oán trách người hay tự dằn vặt mình mà cố gắng cả đổi vận mệnh, tập sống có ý nghĩa để tăng trưởng phước đức, thoát cảnh cơ cực.
Phương tiện để gieo bòn phước đức là phát tâm bố thí. Làm được mười đồng chỉ tiêu xài khoảng hai, ba đồng, còn lại để dành hoặc tập bố thí. Đem tiền bạc, của cải bố thí, giúp đỡ những người khốn khó là cách cất giữ của cải khôn khéo nhất. Vì sao vậy? Đó là chúng ta đang gởi tiền vào ngân hàng “nhân quả” rất an toàn, bảo đảm, để rồi một ngày nào đó khi hữu sự cần đến sẽ chiêu cảm phước đức cho ta đầy đủ những điều kiện thuận lợi thành tựu mọi việc. Nếu làm có được bao nhiêu tiêu xài hết bấy nhiêu thì làm sao có tiền để gởi ngân hàng, làm sao sự sống có hậu. Vậy ngay hiện tại hãy thường xuyên bố thí, gieo bòn phước đức để tương lai hưởng quả tốt đẹp.
Bố thí là ruộng phước của nhân loại, người có tâm bố thí là tập cho mình có đời sống cao thượng sống có tương lai. Do bố thí nên đã gởi tất cả những của cải trên cánh đồng phước lành, và coi như của cải ấy được giữ gìn mãi mãi. Hơn nữa chúng ta là những người tu học theo hạnh của đức Phật, thấy người khổ cũng như mình khổ, phải tìm cách cứu giúp họ. Làm sao cho mọi người hết khổ, được vui, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi là tâm nguyện của chư Phật và cũng là người con Phật chúng ta. Mạng sống ngắn ngủi, của cải là giả tạm, chúng ta phải biết tận dụng thời gian, của cải để làm lợi ích cho con người theo tinh thần vô ngã, vị tha mà đức Phật đã dạy.
Vì thương người mà thí,
Vì hy sinh mà thí,
Vì bổn phận mà thí,
Vì giác ngộ mà thí.
Phước đức là nhu cầu cần thiết trong sự sống của con người. Nếu đem phước thì đời sống vất vả, phiền muộn. Cái phước này không ai ban cho ta, tự ta gieo bòn và hưởng lấy mà thôi.
Bố thí là hạnh gieo bòn phước đức thù thắng nhất, bố thí có bốn loại là: Tài thí, pháp thí, vô úy thí và bố thí bất nghịch ý....