Sở dĩ ngày nay người Việt Nam ta nói riêng và Á châu vẫn còn tôn trọng và đặt lên hàng đầu về chữ HIẾU đối với Mẹ Cha. Nói chung hầu hết người Châu Á còn giữ đựơc nề nếp, đạo đức và văn hóa gia đình, đứng đầu là Trung Hoa, Việt Nam. Mặc dù hiện nay các con đang sống tại các nước Tây phương, nhất là Mỹ xem nhẹ chữ HIẾU do ảnh hưởng đời sống vì lo chạy đua theo vật chất, nhu cầu xã hội, không còn thời gian để họ có dịp sống nhiều về gia đình cũng như nội tâm . Từ đó họ cần đòi hỏi sự phóng túng, thỏai mái mà họ cho là TỰ DO, nhưng đằng sau cái tự do là một sự hủy họai tâm linh, đạo đức đưa dần con người đi vào sa đọa, suy thóai tâm linh là chìa khóa của tội phạm, giết chóc và khủng bố. Ngày nay nước Mỹ đứng đầu Thế giới về tội phạm, nhiều nhà tù lớn nhất và chế độ tử hình vẫn còn duy trì trong khi rất nhiều nước đã từ bỏ luật này.
Trở lại chữ HIẾU! Đọc văn hóa, văn chương Việt Nam hầu hết ca tụng rất nhiều về chữ hiếu bằng ca dao, thi văn, âm nhạc ca ngợi , trong đó đựơc đề cao tình Mẹ thiêng liêng:" Công cha như núi thái sơn , nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Trong các kinh điển Phật Giáo Nam Tông và Bắc Tông đều đề cao công ơn cha mẹ . Kinh tăng Chi Phật dạy :"Có hai hạng người , này các Tỳ kheo , ta nói không thể trả ơn được đó là mẹ và cha". Đối với bất thứ tình cảm nào rồi cũng nhạt phai với thời gian , chỉ có tình Mẹ thương con là ngàn năm bất tận. Trái tim Mẹ là một kỳ quan của vũ trụ , nước mắt của Mẹ nhiều hơn biển Thái Bình Dương . Mẹ thương con vô bờ bến và không bao giờ đặt điều kiện. Mẹ thương con dù con bao nhiêu tuổi già thậm chí hư đốn hay thất bại ê chề ngoài xã hội , Mẹ vẫn thương con cho đến giây phút cuối cùng của đời Mẹ. Đối với Cha tình thương cũng không kém gì Mẹ , nhưng Cha cứng rắn , thương con bằng lời răn dạy , bao gồm cả roi vọt , lo cho con tiền bạc để ăn học , hướng dẫn đạo đức và lối sống thế nào cho con trưởng thành ra đời một cách vững vàng khi thành người ngoài xã hội .Bởi vì người con có làm gì đi nữa , lòng của người con đối với cha mẹ không thể sánh được lòng của cha mẹ đối với con cái , đúng như ca dao nước ta có câu :" Mẹ thương con biển hồ lai láng , con thương mẹ tính tháng tính ngày". Vì vậy, khi đề cập đến công ơn cha mẹ , các kinh đều cho rằng khó đền đáp nổi , là dựa vào tâm thức của người con đối với cha mẹ có giới hạn . Trong khi Cha đủ can đảm chỉ cho con thấy sự sai lầm để xa lánh , trái lại với Mẹ lại ôm ấp , che chở những lỗi lầm mà không hề trách mắng , đó cũng là sự tai hại cho con . Câu tục ngữ :
"Thương cho roi cho vọt , ghét cho ngọt cho bùi "
Không phải vì Mẹ cho ngọt khi con phạm lỗi mà gọi là ghét , đó chẳng qua tình yêu quá lớn mà không nở chỉ trích cái lỗi của con . Trong khi Cha cứng rắn và đôi khi sẵn sàng cho roi vọt để dạy con , đó cũng là vì thương con không muốn cho con bị hư hỏng . Cho nên con cái nhìn vào đó mà nghĩ rằng Mẹ không đánh đập mình nên thương hơn , điều đó không đúng và sau này khi có gia đình , con cái thì người con mới biết giá trị của tình thương người Mẹ , người Cha khác nhau và giá trị đều bằng nhau .
Vì thế , Chữ HIẾU trong đạo Phật vô cùng quan trọng. Đạo Phật cũng được gọi là Đạo HIẾU , hằng năm vào dịp Rằm Tháng 7 Âm Lịch hầu hết các chùa Việt Nam đều tổ chức Lễ Vu Lan để Phật tử có dịp cầu nguyện cho hương linh Cửu Huyền Thất Tổ được siêu sinh tịnh độ và Cha Mẹ hiện tiền có được đời sống trường thọ , an lành, hưởng nhiều phước lộc.
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ chuyện Ngài Mục Kiền Liên, một đệ tử của Đức Phật Thích Ca, có mẹ là Bà Mục Liên Thanh Đề đã gây nhiều tội ác thuở sinh thời, nên khi chết bị đọa vào địa ngục, làm ngạ quỷ đói khổ. Trong Kinh Vu Lan kể chuyện :
Ngài Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo, chứng quả A La Hán đã vận dụng thiên nhãn để tìm mẹ, ngày rất xót thương thấy mẹ bị đọa trong địa ngục. Ngài về bạch Phật và xin chỉ dạy cách cứu mẹ. Phật dạy, ngày rằm Tháng Bảy là ngày Tự Tứ của Chư Tăng, sau ba tháng an cư kiết hạ, quý Chư Tăng có tâm rất thanh tịnh, nhờ vậy lời chú nguyện có nhiều năng lực giải trừ tội lỗi, ách nạn. Vào ngày Rằm Tháng Bảy nên đem lễ vật cúng dường và xin Chư Tăng, hiền thánh cầu nguyện cho mẹ, thì cha mẹ quá vãng cũng như hiện tiền đều được nhiều phước đức.
Ngài Mục Kiền Liên làm như lời Phật dạy. Ngay sau đó mẹ Ngài, Bà Mục Liên Thanh Đề được thoát kiếp ngạ quỷ và sinh lên cõi Trời. Lời chú nguyện của các chư tăng coi như một bài kinh giảng, nếu vong linh nghe theo, xả bỏ sân hận, phát tâm từ bi hỹ xã thì ngay sau đó sẽ thoát cảnh địa ngục. Từ đó Phật Tử theo gương Ngài Mục Kiền Liên tổ chức Đại Lễ Vu Lan vào ngày Rằm Tháng Bảy để cầu nguyện cho cha mẹ.
Ở Nhật , trong ngày nhớ ơn mẹ có phong tục cài hoa Hồng lên áo. Người nào còn mẹ thì được cài hoa Hồng đỏ, ngưòi nào không còn mẹ thì cài hoa Hồng trắng. Thiề sư Nhất Hạnh đi Nhật thấy phong tục này có ý nghĩa nên đã du phập vào VN. Phong trào “Bông Hồng Cài Áo” trong ngày Lễ Vu Lan được Phật Tử hưởng ứng và phổ biến rộng rãi từ đó. Bản nhạc “Bông Hồng Cài Áo” được hát rất nhiều trong dịp Lễ Vu Lan.
Trong ba tháng an cư kiết hạ , ngày rằm tháng bảy thì giải chế phải làm lễ Tự Tứ . Chữ " Tự Tứ" tiếng Pali gọi là PAVARANA nghĩa là tuỳ ý , tức là xin chư tăng tuỳ ý chỉ trích những lỗi lầm của mình do chư tăng thấy , nghe hay nghi để mình biết mà sám hối , nhờ sám hối nên thân khẩu ý được thanh tịnh thì công đức rất lớn . Đây là cách thức hạ mình cầu xin chỉ lỗi , tương tự như câu nói của Nho là KHIÊM SINH ĐỨC , có lẽ vì vậy mà phải nương nhờ ý lực chú nguyện của chư tăng trong ngày Tự Tứ chứ không phải những ngày khác .
Nay các con lớn lên và sống tại đất nước tự do như Mỹ nhưng đừng quên chữ HIẾU đối với Mẹ Cha . Dù công việc , đời sống bận rộn thế nào cũng phải thường xuyên ghé thăm Mẹ Cha , hay ít nhất gọi phone thăm hỏi khi có thời gian rổi rảnh . Các con đến chùa lạy Phật là một điều tốt , nhưng đừng quên các con đang có những ông Phật tại nhà là MẸ và CHA . Con chỉ biết đến chùa , nhà thờ Kito mà không màng thăm viếng , chăm sóc cha mẹ ( nhất là các cô dâu , chú rễ) chứ đừng nói gì đến con ruột là điều thiếu sót lớn . Đức Phật dạy :
" Hiếu với Mẹ Cha tức là kính Phật ."