Taichi bồn chồn đứng trên sân ga chờ ông nội. Bố mẹ bận đi làm nên chỉ đủ thời gian đưa em ra ga chờ ông đáp tàu lửa đến rước về nghỉ hè ở vùng trung du.
Taichi không phải đợi lâu, chỉ chốc sau đã thấy ông xuất hiện từ xa, trên người là chiếc áo lông xù. Em hớn hở chạy đến ôm cổ ông, rồi cả 2 ông cháu cùng xếp hàng mua vé về lại nhà ông.
Không ngờ khi đến lượt mình mua rồi, ông mới nhớ đã bỏ quên ví trên chiếc tàu vừa đi ban nãy. Ông lúng túng không biết làm sao, lục tung tất cả các túi trên người đến nỗi vã cả mồ hôi trong khi ngoài trời lạnh buốt vì có bão tuyết.
Cuối cùng, ông đành phải hỏi mượn cô bán vé 50 đô la để mua vé tàu và hứa sẽ trả lại cô ngay hôm ấy. Vì nền văn hóa Nhật luôn dành cho người già sự tôn kính đặc biệt, cô nhân viên tin lời ông và cho mượn tiền mua vé.
Một tiếng sau, tàu đến quê nhà của ông nơi vùng trung du. Nhưng nào đã xong, hai ông cháu phải đi bộ tiếp hơn 15 phút trong thời tiết khắc nghiệt mới về được tới nhà.
Người mệt mỏi, ướt sũng, nhưng điều đầu tiên ông làm là tới ngay hộc bàn lấy ra một ít tiền rồi bảo:
- Bây giờ, ông phải đi ngay cháu ạ. Cháu cứ ở nhà chờ ông nhé.
- Ông ơi, cháu đói lắm. - Taichi rên rỉ. - Ông ở nhà làm bánh nướng cho cháu ăn đi! Ba ngày nữa, thế nào mình cũng quay trở lại ga mà. Khi đó ông trả tiền cũng được.
Khoác vào người chiếc áo choàng, người ông 60 tuổi đặt tay lên vai cháu, nhẹ nhàng giải thích:
- Cháu này, đêm nay ông phải tới ga trước khi quầy bán vé đóng cửa. Đây không phải là chuyện tiền bạc, mà là danh dự của con người. Ông đã hứa với cô bán vé sẽ trả tiền lại vào ngày hôm nay, và một khi đã hứa thì chúng ta phải luôn giữ lời, cháu ạ.
Bạn à:
Lời hứa- nó luôn có những giá trị rất thiêng liêng của riêng mình, nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó, và càng không phải ai cũng hiểu được rằng mình cần làm gì khi những lời hứa đã được nói ra. Cuộc đời quá vội, bởi thế mà những lời hứa trao nhau cũng trở nên thật vội vã. Có đôi khi suy nghĩ không theo kịp những lời đã nói, để rồi ta không kịp nhận ra mình đã hứa gì. Và lời hứa cứ thế trở thành gánh nặng cho nhau.
Có bao nhiêu người vẫn chờ đợi một lời hứa dù người còn lại đã quên? Bao nhiêu người mòn mỏi trách móc vì vẫn nhớ những lời hứa đã không còn giá trị? Và có bao nhiêu người đi gieo những hi vọng không thành? Phải đi qua hết nỗi đau, phải tự cảm nhận sự giằng xé khi lời hứa xưa cũ nay không còn, phải một lần trở thành một kẻ bội tín ta mới biết được rằng, đằng sau những lời đã hứa, dù to tát hay bé nhỏ, dù được trao nhau như thế nào, dù còn nhớ hay đã quên thì vẫn cứ luôn là một trách nhiệm nặng nề. Đâu ai biết trước được rằng sau những lời hứa, những gì ta để lại cho một ai đó là một kỷ niệm ngọt ngào hay những vết sẹo trong tim?