Đời sống bình an - Đời sống tự tại
Đời sống tự tại nghe thì dễ mà làm thì khó. Đạo Phật là từ bi, trí tuệ cho nên bất cứ người nào làm được thì sống một đời sống tự tại. Tu là để giải thoát chứ không bị ràng buộc. Có nghĩa là thân tâm mình không bám víu vào người khác và người khác không bám víu vào mình; cả đôi bên đều được tự tại.
Tự tại đây không phải là muốn làm gì thì làm mà là thân, tâm, ý không dính mắc, không chấp trước làm cho mình và người đều khổ đau. Tự tại là khi dùng những khổ đau của cuộc đời để rèn luyện con người mình cho thành toàn thiện và khi hiểu được cuộc sống, ta ứng dụng và hóa giải nó.
1. Người muốn được tự tại thì trước tiên phải học và sống trong sự thiếu thốn vì sự thiếu thốn sẽ rèn luyện mình thấy cái giá trị của tất cả xung quanh mình.
· Bằng lòng với những gì mình có và không đua đòi hoặc truy cầu để làm kẻ khác khổ đau. Đó là lối sống của thiểu dục tri túc.
· Ta suy tư để thẩm thấu vào tâm linh sự thiếu thốn. Ta không chờ đợi vì những gì đến thì sẽ đến, không cần phải hấp tấp chạy theo những hình bóng khác. Khi chúng ta sống quen với đầy đủ, tiện nghi thì khó mà chấp nhận sự thiếu thốn. Ta sẽ cảm thấy rất khó chịu và đau khổ khi bị thiếu thốn một chút xíu gì đó. Nhưng nếu ta chịu đựng thì ta sẽ hóa giải được sự khổ đau đó và tạo nên một cái sức đề kháng để chống lại những khổ đau. Chúng ta dùng thời gian để biết giá trị của sự thiếu thốn.
· Khi nhìn trực diện vào những khổ đau và đưa nó sâu vào tâm linh cho đến khi nó không còn tồn tại nữa thì tự nó sẽ ra đi. Đây là lối thiền của Nam Tạng.
2. Điều hòa giữa người và ta
· Tìm hiểu tại sao người khác đối xử tệ với mình.
· Thông cảm tâm trạng của người khác bằng cách cho mình vào cái tình trạng hoặc hoàn cảnh của người đó.
3. Liên đới với căn bản của quá trình nhân quả
· Muốn được tự tại thì phải kiểm soát quá trình nhân quả và đồng thời điều hòa giữa người và ta có nghĩa là làm cho người ta vui thì mình cũng vui.
4. Nhận thức cuộc sống đương nhiên là như vậy
· Ta không khổ đau khi ta có sức chịu đựng (nhẫn). Nếu như tâm lượng ta bao dung thì khổ đau nào chúng ta cũng chịu đựng được.
· Nên luôn nhận thức rằng sự khổ đau là do hệ lụy của nhân và quả.
5. Nhận định những gì có thể làm được là tốt rồi và bằng lòng với những gì người khác đem đến
· Ta không nên áp bức, đòi hỏi quá đáng mà người khác chẳng thể hoán chuyển hoặc đáp ứng được.
6. Đời sống tự tại là phải kiểm soát ba nghiệp (thân, khẩu, ý) của mình và tế nhị được trong mọi hoàn cảnh để hổ trợ người khác được an lành.
Muốn nói điều gì ta nên suy nghĩ trước khi nói để tránh đem đến khổ đau cho người khác. Dù cho nói lên sự thật thì cũng phải dùng phương tiện để hóa giải vấn đề khó khăn, phải biết khéo léo và tế nhị khi nói để người khác không bị khổ đau.
Thế gian là vô thường, quốc độ này là nguy khốn. Nhưng trong cái vô thường và nguy khốn này ta không cầu cái bình yên. Bình yên thật sự là bên trong chúng ta dù cho cuộc sống có nhiều phong ba, khó khăn, thăng trầm. Yếu tố của người học Phật là trong cảnh động mà vẫn có thể tự tại, chế ngự và an trú được. Khi ta có cái thâm hậu của nội tâm rồi thì dù bên ngoài có thay đổi bao nhiêu đi nữa ta cũng vẫn an nhiên tự tại. Đạo Phật là con đường của giác ngộ để chúng ta tỉnh thức và điều chỉnh cuộc sống chứ không phải để chạy bỏ và trốn tránh cuộc đời này.
Ý thức của đạo Phật về đời sống tự tại là không phải chỉ hưởng nhàn cho cá nhân mình mà phải làm so cho người xung quanh được an lạc, tự tại. Nếu như chúng ta không cố chấp và không thủ thì mọi người không vướng mắc với ta và ta không vướng mắc với người. Như vậy ngay trong cuộc đời này chúng ta vẫn có thể đạt được an nhiên tự tại, hiểu và sống với đạo Phật một cách xứng đáng và thành tựu nhất.